Trong khi những chuyến đi biển của ngư dân ngày càng đối diện với nhiều rủi ro hơn, thì giá xăng dầu lại tăng cao khiến ngư dân Đà Nẵng không khỏi lo lắng, hụt hẫng.
Khó đủ đường
Những ngày này trên Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) đâu đâu cũng nghe ngư dân bàn tán về giá xăng dầu tăng cao. Có mặt tại đây, chúng tôi thấy hàng trăm chiếc tàu lớn nhỏ ra vào, nhưng không khí ở bến cá thời điểm này lại ít nhộn nhịp hơn so với những ngày sau Tết. Nhiều chủ tàu cho biết, hiện là mùa câu cá ngừ đại dương và câu mực, biển lặng thích hợp cho việc đánh bắt, nhưng giá xăng dầu tăng cao nên nhiều chủ tàu không muốn ra khơi vì sợ lỗ.
Giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân – Ảnh: Hoàng Hân
Vừa cập bến vào sáng 4/4 sau chuyến biển dài ngày, ông Lê Mến (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), chủ tàu hậu cần ĐNa-90444 cũng hết sức bất ngờ khi nghe giá xăng dầu tăng trong mấy ngày qua. Từng là thuyền trưởng kỳ cựu các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, ông Lê Mến cho biết, chưa lần nào chịu áp lực xăng dầu lớn như hiện nay. “Mới vừa cập bến đã nghe người nhà nói giá xăng dầu tăng khiến anh em chúng tôi thả tay. Xăng dầu cứ tăng miết kiểu ri thì các tàu cá chỉ có lỗ”, ông Mến bộc bạch.
Trong khi nhiều ngư dân đang thấp thỏm lo lắng vì giá xăng dầu tăng thì việc đánh bắt trên biển của họ cũng gặp rất nhiều khó khăn do bị tàu Trung Quốc xua đuổi cộng thêm giá cá ngừ trong những ngày này liên tục giảm vì bị thương lái ép giá khiến sau mỗi chuyến ra khơi, các tàu thu lãi không nhiều.
Các ngư dân ngồi nhẩm tính, từ khi giá xăng dầu tăng, mỗi chuyến đi biển (tàu lớn) họ phải bù thêm 20-30 triệu đồng chi phí nhiên liệu, chưa kể các chi phí khác như nước đá, lương thực, thực phẩm cũng có dịp “té nước theo mưa”. Ông Mai Đăng Nhiều (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), chủ tàu cá ĐNa-90029 TS, hành nghề lưới cản than thở: “Cứ mỗi chuyến ra khơi kéo dài khoảng 20 ngày, tàu của tôi tốn từ 2.200-2.500 lít dầu. Ngoài ra những chi phí kèm theo tất tật phải từ 60-70 triệu đồng, nhưng nay với giá dầu tăng ước tính chi phí sẽ đội lên 80 triệu đồng, có khi còn hơn. Trời mưa thì đất phải chịu, chứ ngư dân mà không bám biển thì lấy chi ăn!”.
Cần có chính sách hỗ trợ để ngư dân ra khơi bám biển. Ảnh: X.Duyên
Mong bình ổn giá xăng dầu
Trong lúc ngư trường đánh bắt ngày càng bất lợi, giá cả thủy sản trên bờ lại bị thương lái thao túng thì việc tăng giá xăng dầu như hiện nay càng đẩy ngư dân vào tình cảnh khốn khó. Hiện giá cá ngừ đại dương chủ tàu bán ra dao động ở mức từ 50-55 nghìn đồng/kg, so với trước đây là 75-80 nghìn đồng/kg. Các loại cá nhỏ như cá chuồn, cá hố, cá nục tại tàu chỉ từ 15-30 nghìn đồng/kg, trong khi giá đến tay người tiêu dùng đã gấp 2-3 lần vì qua tay nhiều thương lái. Với tình hình như hiện nay, ngư dân đi biển chỉ còn cách lấy công làm lời.
Chi phí nhiên liệu tăng không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân mà khiến doanh thu của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng sụt giảm hẳn. Anh Trung, chủ đại lý xăng dầu số 24 (Công ty Xăng dầu khu vực 5) cho hay: Giá xăng dầu tăng liên tục nên ngư dân sợ lỗ đâu dám ra khơi. Vì vậy, lượng xăng dầu bán ra ở cửa hàng cũng giảm hẳn. Phục vụ hậu cần cho nghề cá nhiều năm, chị Lê Thị Hải (trú phường Mân Thái) nói: “Hồi trước, giá xăng chỉ có mười mấy ngàn đồng một lít thì một cây đá có giá 5.000 đồng. Còn bây chừ giá xăng hai mươi mấy ngàn rồi mà đá cây cũng chỉ tăng 2.000 đồng. Làm đá như tui chạy máy nổ liên tục chịu không nổi, giá xăng dầu tăng, người đi biển khó mà người trên bờ cũng khổ”.
Cùng với những người đi biển, ông Lê Mến kiến nghị “Chỉ mong chính quyền sớm bình ổn giá và hỗ trợ để ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển”. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Phước (quận Hải châu) cho biết: “Kinh phí hỗ trợ cho giá xăng dầu nằm trong kế hoạch hằng năm của Sở NN&PTNT. Cứ mỗi chuyến biển khoảng 15 ngày, đối với những tàu có công suất trên 500CV, hỗ trợ 60 triệu đồng, tàu từ 300-500CV hỗ trợ 30 triệu đồng, tàu dưới 300CV hỗ trợ 25 triệu đồng. Mỗi năm hỗ trợ không quá 4-6 chuyến”. Trước những khó khăn của ngư dân, chính quyền và ngành chức năng các cấp cần có chính sách hỗ trợ để ngư dân bám biển hoạt động bình thường.