“Xanh hóa” ngành logistics

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nền kinh tế ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu đồng nghĩa với việc tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác và dần trở nên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Hướng tới tăng trưởng xanh đang dần trở thành vấn đề toàn cầu và là mục tiêu của tất cả quốc gia. Logistics được xem là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường đáng kể, vì thế phát triển logistics xanh là đòi hỏi tất yếu.

“Mạch máu” của nền kinh tế

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 diễn ra gần đây với chủ đề “Logistics xanh”, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), xuất – nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức 2 con số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 – 2027 của thị trường được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Logistics xanh thân thiện với môi trường và bền vững. Ảnh: Shutterstock

Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam chiếm tỷ lệ ngày càng cao so quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021. Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức mức cao trong giai đoạn từ 2015 tới nay, bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỷ tấn (2015) lên 1,64 tỷ tấn (2021), đóng góp của lĩnh vực logistics vào GDP hằng năm ở mức 4 – 5%.

Với lĩnh vực thủy sản, VASEP cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu tới cuối tháng 11/2022 đã cán mốc 10 tỷ USD và hết năm 2022 dự báo cán mốc 11 tỷ USD. Theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe, nguyên nhân đạt mức kim ngạch xuất khẩu thủy sản nêu trên là do Việt Nam có sự chủ động trong vấn đề nguyên liệu và sản xuất. Ngoài ra, còn có sự linh hoạt, kiên trì đối với thị trường và kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng.

Còn theo một chuyên gia khác trong ngành, xuất khẩu thủy sản tăng có sự đóng góp rất lớn của ngành logistics, với vai trò là nhân tố hỗ trợ cho dòng trung chuyển hàng hóa. Trong 2 năm qua, các doanh nghiệp ngành logistics chịu tác động mạnh từ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội; giá cước vận tải xăng dầu tăng cao… nhưng họ vẫn giảm giá, chi phí lưu kho, lưu bãi… để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Song hiện nay bài toán về logistics vẫn là một trong những thách thức lớn với ngành thủy sản, nhất là tại khu vực ĐBSCL, nơi đóng góp khoảng 65% sản lượng thủy sản. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của khu vực này là từ 17 – 18 triệu tấn/năm, tuy nhiên chỉ có 20% hàng hóa được vận chuyển qua hệ thống cảng biển của vùng, còn lại 80% được vận chuyển bằng đường bộ chủ yếu để đến các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngược lại, toàn bộ sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài cũng vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh. Do chịu chi phí hai đầu nên các doanh nghiệp phải chịu chi phí vận tải cao hơn 10 – 40% tùy theo tuyến đường, vì vậy, hàng hóa sản xuất ở ĐBSCL có sức cạnh tranh kém. Mong muốn lớn hiện nay của các doanh nghiệp thủy sản vẫn là vận chuyển hàng xuất khẩu thuận lợi, giảm chi phí bằng việc có một cảng biển đón tàu lớn tại khu vực ĐBSCL.

Để bắt kịp với thế giới?

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong những năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành logistics Việt Nam nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng đã được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế như: Chi phí vẫn còn ở mức cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu; chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển…

Phát triển logistics xanh sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này ngay tại thị trường nội địa, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và thương mại điện tử đang tăng trưởng nhanh, đồng thời mở ra nhiều cơ hội ở thị trường nước ngoài.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, thời gian tới Bộ Công thương cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành “Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, bảo đảm đáp ứng những yêu cầu phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh và tình hình mới. Trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logictics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics… tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logictics và phát triển logistics xanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đặt trọng tâm vào xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện một cách thực chất chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; coi đây vừa là yêu cầu vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm phát triển logistics xanh, logistics số, logistics thương mại điện tử…; nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh và làm chủ một số chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian tới.

Ông Trần Tuấn Anh,

Trưởng ban Kinh tế Trung ương

“Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, việc phát triển “Logistics xanh” là đòi hỏi và xu hướng tất yếu đối với Việt Nam trong thời gian tới”.

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!