Đây là nội dung chính của Hội thảo khởi động, thảo luận, góp ý phương pháp và bộ công cụ nghiên cứu cho Đề tài “Nghiên cứu chuỗi giá trị cá cơm khai thác ở vùng biển Tây Nam Bộ” do Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP) tổ chức sáng ngày 14/9, Viện trưởng Nguyễn Thanh Tùng chủ trì.
Đề tài “Nghiên cứu chuỗi giá trị cá cơm khai thác ở vùng biển Tây Nam Bộ” do VIFEP triển khai thực hiện trong 2 năm (2011 – 2012) với 4 nội dung chính: Nghiên cứu, phân tích và đánh giá thực trạng chuỗi giá trị của cá cơm khai thác tại vùng biển Tây Nam Bộ; Bản chất, cơ chế các mối liên kết của các tác nhân trong chuỗi; Các yếu tố thể chế, chính sách, môi trường tác động lên chuỗi liên kết; Xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị cá cơm. Đề tài được triển khai thực hiện tại huyện Phú Quốc (Kiên Giang), trị trấn Sông Đốc (Cà Mau), và TP. Hồ Chí Minh. Bằng việc lập phiếu điều tra nghiên cứu với 6 đối tượng: cơ sở khai thác, thu mua, chế biến, các đại lý tiêu thụ, cơ sở thương mại và xuất khẩu cá cơm, người tiêu thụ, Đề tài sẽ đưa ra một cái nhìn tổng thể về tình hình khai thác và tiêu thụ cá cơm tại vùng biển Tây Nam Bộ, từ đó, xây dựng mô hình chuỗi liên kết lý thuyết để ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất cho rằng, nhóm thực hiện đề tài cần lập ra được chuỗi liên kết, khắc phục hạn chế để xây dựng được mô hình lý thuyết phù hợp nhất cho việc khai thác cá cơm tại vùng biển Tây Nam Bộ. Ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh, nhóm thực hiện đề tài cần tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, thảo luận và xây dựng bộ công cụ cho đề tài, tiến hành triển khai thí điểm tại một số địa phương, từ đó điều chỉnh cho phù hợp, để đề tài được thực thi và có hiệu quả, tận dụng được nguồn lợi cá cơm, mang lại giá trị kinh tế.