Xây dựng cơ sở sản xuất giống thủy sản chất lượng cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để nâng cao chất lượng con giống, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, ương dưỡng tôm giống; đồng thời, tập trung phát triển các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có chất lượng cao.

Đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu

Với hơn 63.200 km2 diện tích vùng biển, hơn 200 km bờ biển và hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ đã trở thành lợi thế to lớn của tỉnh Kiên Giang trong lĩnh vực NTTS. Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua tỉnh đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để ngành hàng này phát triển theo hướng bền vững.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có 350 trại sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, bao gồm: 21 cơ sở sản xuất giống tôm sú, 2 doanh nghiệp sản xuất TTCT, 2 cơ sở sản xuất tôm càng xanh, 200 cơ sở ương dưỡng tôm, cua, cá các loại và 125 cơ sở sản xuất cua biển giống. Năm 2022, các cơ sở đã sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản được 20.967,3 triệu con, vượt 19,1% so kế hoạch. Cụ thể, sản xuất giống thủy sản được 4.146,6 triệu con giống, bao gồm: tôm sú 515,2 triệu con, TTCT 3.410,6 triệu con, tôm càng xanh 30,6 triệu con và cua 190,3 triệu con. Các cơ sở ương dưỡng giống thủy sản được 16.820,7 triệu con, vượt 24,6% kế hoạch năm.

Các cơ sở sản xuất tôm giống ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Ảnh: Đại Phát

Để đáp ứng nhu cầu của người nuôi, các đơn vị chức năng và cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đã lên kế hoạch sản xuất hoặc nhập con giống từ các nguồn khác nhau để cung cấp cho người nuôi thông qua Trạm giao dịch tôm giống tập trung vùng U Minh Thượng. Trong năm 2022, đã cấp 24 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; lũy kế đã cấp được 138 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.

Ứng dụng công nghệ mới

Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, trong năm 2023, nhu cầu con giống các đối tượng nuôi chính khoảng 15.283 triệu con, bao gồm: tôm sú 5.941 triệu con, TTCT 7.900 triệu con, cua giống 257 triệu con, tôm càng xanh 1.185 triệu con. Để đạt các chỉ tiêu đề ra, Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, ngành nông nghiệp địa phương sẽ tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, ương dưỡng tôm giống. Tập trung phát triển các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có chất lượng cao, áp dụng công nghệ mới. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị cho các trại sản xuất giống thủy sản do Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống Nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh quản lý để tổ chức sản xuất cung ứng giống ổn định.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ thành lập các hiệp hội sản xuất giống thủy sản; vận động các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất giống tốt để đảm bảo uy tín, chất lượng đáp ứng nhu cầu trong tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, quản lý chặt chẽ điểm giao dịch giống thủy sản, để kiểm soát có hiệu quả nguồn tôm giống nhập tỉnh, giúp người dân thuận tiện trong việc chọn mua con giống chất lượng để thả nuôi. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản theo quy định, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho người dân trong việc sử dụng con giống kém chất lượng. Ngoài ra, tổ chức tốt hệ thống sản xuất tôm giống, tiến tới việc tự chủ con giống sạch bệnh được sản xuất trong tỉnh phục vụ cho nghề nuôi tôm. Chuyển giao các quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại cho các cơ sở để sản xuất đạt hiệu quả và chất lượng.

>> Năm 2023, kế hoạch sản xuất giống thủy sản của tỉnh Kiên Giang khoảng 4.252 triệu con (27,8% nhu cầu), bao gồm: tôm sú 520 triệu con, TTCT 3.500 triệu con, tôm càng xanh 32 triệu con, cua biển 200 triệu con. Bên cạnh đó, các cơ sở ương dưỡng giống (tôm, cua, cá) dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 15.000 triệu con giống.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!