Xây dựng Khánh Hòa thành trung tâm nghề cá vùng Nam Trung bộ

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước sẽ hình thành 5 trung tâm nghề cá ở các vùng trọng điểm. Trong đó, Khánh Hòa được chọn là địa phương để xây dựng trung tâm nghề cá vùng Nam Trung bộ (NTB).

Thực trạng nghề cá khu vực

Khu vực NTB (gồm các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế biển với nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú. Trong vùng đã sớm hình thành được một chuỗi liên kết bao gồm: khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản tương đối đồng đều. Những năm gần đây, lĩnh vực khai thác hải sản khu vực NTB đã có những biến chuyển mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực đánh bắt, mở rộng quy mô sản xuất và chuyển dịch theo hướng cơ giới hóa. Tuy nhiên, do cường độ khai thác ven bờ quá lớn, trong khi công tác tái tạo không đáng kể nên nguồn lợi ven bờ ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác hải sản ven bờ đã vượt mức bền vững.

 Chợ thủy sản Nam Trung bộ là trung tâm hậu cần nghề cá lớn nhất khu vực. 

Chợ thủy sản Nam Trung bộ là trung tâm hậu cần nghề cá lớn nhất khu vực.

Với lợi thế có các viện, trường nghiên cứu biển, nuôi trồng đứng chân trên địa bàn (như: Viện Hải dương học, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Trường Đại học Nha Trang), nghề nuôi trồng thủy sản ở khu vực NTB phát triển khá mạnh ở cả thủy vực nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Các đối tượng nuôi chính tập trung vào tôm sú, tôm hùm, cá mú, ngọc trai, cua, ghẹ, rong sụn, cá bớp, hải sâm, bào ngư… Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng nuôi chưa được đầu tư đúng mức; các vùng nuôi chưa được quy hoạch chi tiết; khả năng kiểm soát dịch bệnh còn yếu; chất lượng con giống không đảm bảo; hệ thống thủy lợi các vùng nuôi xuống cấp, môi trường ô nhiễm nên những năm gần đây, các tỉnh NTB đều bị thiệt hại rất lớn, nghề nuôi trồng đang gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, vùng NTB có gần 100 nhà máy, phân xưởng chế biến xuất khẩu thủy sản, trong đó nhiều nhất là Khánh Hòa với 44 nhà máy. So sánh với tiềm năng và thế mạnh vốn có, hoạt động xuất khẩu thủy sản ở khu vực NTB phát triển chưa tương xứng. Trong vùng, ngoài một số doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính được đầu tư công nghệ hiện đại, thị trường xuất khẩu tương đối ổn định thì hầu hết các doanh nghiệp trong vùng đang hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu. Trong đó, sản phẩm chế biến chủ yếu ở dạng thô, ít cơ sở chế biến tinh, chưa xây dựng được thương hiệu riêng, đặc trưng của từng địa phương. Mặt khác, trình độ quản lý, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, chưa khai thác hết tiềm năng nguồn nguyên liệu thủy sản xuất khẩu của địa phương. Ngoài ra, hệ thống vật chất kỹ thuật, thiết bị công nghệ của các nhà máy chế biến còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ…

Cần thiết xây dựng trung tâm nghề cá khu vực

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Khánh Hòa là tỉnh hội tụ đủ 6 tiêu chí để xây dựng trung tâm nghề cá khu vực như: Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý; khả năng thu hút các nguồn lực, tạo sức hút về thị trường, gắn kết các khâu trong chuỗi làm tăng giá trị các sản phẩm thủy sản; sự thống nhất với các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển; nguồn nhân lực; vai trò của kinh tế thủy sản đối với kinh tế vùng và vị trí gắn với quốc phòng, an ninh, biển đảo; đánh giá độ rủi ro. Hình thành trung tâm nghề cá vùng dựa trên cơ sở thu hút, khai thác nguồn lực và phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng, các nguồn lực của vùng… nhằm xây dựng những vùng phát triển kinh tế thủy sản năng động, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Theo đó, Khánh Hòa cũng như các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ hỗ trợ nhau cùng phát triển nghề cá theo hướng bền vững. Do các địa phương đều có tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển nên có sự lan tỏa kinh nghiệm và chia sẻ trí thức trong hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, đóng tàu…

Ông Đào Công Thiên – Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Hiện tại, ngành Thủy sản vùng NTB đang phát triển một cách manh mún, chưa xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. Hạ tầng nghề cá được đầu tư dàn trải, chủ yếu ở góc độ từng tỉnh. Bên cạnh đó, tàu thuyền khai thác phần lớn có công suất nhỏ dưới 90CV nên chưa phát huy hết tiềm năng của vùng. Mặt khác, dịch vụ hậu cần nghề cá của các tỉnh chưa được chú trọng, kéo theo sự mất ổn định trong hoạt động chế biến của những doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Ngoài ra, giá trị ngành Thủy sản chủ yếu có được do khai thác thuần về tài nguyên, chưa đầu tư để tạo ra giá trị gia tăng cho ngành nên yếu tố thương hiệu thủy sản vẫn chưa được định vị trong tâm trí người tiêu dùng. Nguyên nhân của sự phát triển manh mún là do chưa biết phát huy sức mạnh chung của vùng. Trong khi đó, đầu tư cho nghề cá đòi hỏi vốn lớn, nếu đầu tư riêng cho từng tỉnh sẽ không đủ nguồn lực để xây dựng nghề cá theo hướng hiện đại. Do đó, việc tập trung đầu tư theo vùng sẽ là hướng đi đúng đắn căn cứ trên thực tiễn phát triển của nghề cá Việt Nam.

>> Ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản:

Trên quan điểm chung, Bộ NN-PTNT xác định xây dựng trung tâm nghề cá vùng sẽ phục vụ lợi ích cơ bản cho toàn bộ các tỉnh khu vực NTB. Do đó, cần phải thể hiện rõ thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương sẽ đóng góp và mang lại lợi ích gì khi trung tâm được hình thành. Việc xây dựng phương án quy hoạch cần tập trung vào các lĩnh vực là thế mạnh của vùng, trong đó chủ yếu là khai thác, nuôi biển, sản xuất giống, chế biến xuất khẩu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ, trong đó sẽ đưa ra điểm nhấn ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới.

Anh Tuấn

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!