(TSVN) – Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 do Cục Thủy sản tổ chức sáng 21/12/2023 tại Hà Nội. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân đồng chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết năm 2023 của Cục Thủy sản
Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng trình bày báo cáo tổng kết trong năm vừa qua của toàn ngành. Theo đó, ước tính đến hết tháng 12/2023 tổng sản lượng thủy sản đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022 (9,087 triệu tấn). Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; sản lượng nuôi trồng đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022 (5,224 triệu tấn).
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân đồng chủ trì Hội nghị
So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 102,4% (9,05 triệu tấn); trong đó sản lượng khai thác vượt 4,9%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (giảm còn 3,68 triệu tấn); sản lượng nuôi trồng đạt 100,7% (5,37 triệu tấn).
Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó xuất khẩu tập trung vào một số sản phẩm: tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản trình bày báo tổng kết
Bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành thủy sản vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục như: Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quan trắc môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ; Hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo; Công tác bảo quản sản phẩm chưa cải thiện, hiệu quả của hoạt động khai thác còn thấp; Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản chưa được nhiều, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản chưa được chặt chẽ; Số lượng tàu cá có xu hướng giảm dần nhưng chưa nâng cao giá trị sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản còn ở mức cao. Sản lượng khai thác thủy sản chưa giảm đáp ứng chi tiêu chiến lược đề ra,…
Đại diện Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cảm ơn những chỉ đạo tích cực của lãnh đạo Bộ, Cục giữa bối cảnh khó khăn chung của thị trường. Thời gian tới Viện mong muốn Cục Thủy sản tiếp tục định hướng rõ đối tượng nuôi trồng để hướng tới giảm khai thác, tăng nuôi trồng, quan tâm đến các đối tượng chủ lực, vùng miền, phát huy lợi thế của từng địa phương.
Ông Dương Long Trì, Phó Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam tham luận tại Hội nghị
Ông Dương Long Trì, Phó Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam cho biết: Thời gian qua Hội đã cùng với Cục Thủy sản thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành, trong đó gần nhất là Hội nghị Đối thoại với ngư dân một số tỉnh thành ven biển về đồng quản lý. Ông Trì cho rằng chúng ta cần đánh giá tính hiệu quả của mô hình này để có định hướng triển khai phù hợp trong năm 2024. Theo số liệu báo cáo của Cục Thủy sản, năm 2023 sản lượng tôm, cá đều tăng, tuy nhiên giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhân dịp này, ông Trì kiến nghị: Đã đến lúc chúng ta cần phải nghĩ đến việc xem xét nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng để đạt hiệu quả xuất khẩu.
Tiếp thu những ý kiến từ các đơn vị, Hiệp hội, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân khẳng định: Thời gian tới Cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với các đơn vị thực hiện nhận diện chuỗi sản xuất, đổi mới công nghệ giảm phát thải trong nuôi trồng; Đối với thị trường nhập khẩu sẽ dán nhãn, dành thế chủ động cho xuất khẩu thủy sản; Tiếp tục cùng các địa phương tuyên truyền thực hiện quản lý tốt tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản, chống khai thác IUU,…
Về kế hoạch năm 2024, Cục Thủy sản tiếp tục thực hiện chủ trương Chiến lược đề ra “giảm khai thác và tăng nuôi trồng”, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản. Mục tiêu tổng diện tích nuôi trồng 1,3 triệu ha (giữ ổn định so với năm 2023), trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380 nghìn ha; diện tích nuôi nước mặn, lợ giữ ổn định 920 nghìn ha (trong đó tôm nước lợ 737 nghìn ha).
Về sản lượng, Cục Thủy sản sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm dần khai thác, tăng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. Mục tiêu trong năm 2024 tổng sản lượng khoảng 9,22 triệu tấn, trong đó khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với năm 2023; nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5,0% so với ước năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực của ngành Thủy sản trong năm vừa qua để đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục là lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu phát triển chung của ngành nông nghiệp. Thứ trưởng yêu cầu trong thời gian tới các đơn vị trong Cục cần sát sao và khẩn trương thực hiện một số dự án, đặc biệt quy hoạch cảng cá, tránh trú bão. Bên cạnh đó cần tập trung khâu con giống, thức ăn, thực hiện chế biến sâu, đề nghị doanh nghiệp phối hợp liên kết chuỗi, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên. Thủy sản và Thú y cần phối hợp để nâng cao công tác phòng bệnh trên các đối tượng nuôi. Công tác truy xuất nguồn gốc, minh bạch nhật ký khai thác, giám sát hành trình không thể buông lỏng mà cần thực hiện quyết liệt hơn.
Khoa học công nghệ đã có sự chuyển mình nhưng cần quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt, “hướng tới ngành thủy sản xanh” đang là yêu cầu bắt buộc và chúng ta không thể nào đi ngược với xu thế đó của thế giới. Do vậy Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo ngành Thủy sản cần bắt nhịp ngay để xây dựng ngành thủy sản xanh, tiến tới hội nhập sâu rộng thế giới.
Thùy Khánh