(Thủy sản Việt Nam) – Được phê duyệt thực hiện xây dựng Nông thôn mới từ tháng 10/2009, đến nay, Tân Thông Hội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, bền vững, không chỉ là xã kiểu mẫu của Thành phố Hồ Chí Minh mà còn dẫn đầu trong 11 xã điểm của cả nước.
Phát triển toàn diện
Theo Đề án xây dựng NTM thì đến năm 2011, Tân Thông Hội là xã phát triển toàn diện, đồng bộ về kinh tế – xã hội, có nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, không có tệ nạn xã hội, có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm an ninh quốc phòng, phù hợp với tính chất là vùng ven đô thị lớn.
Sau gần 2 năm thực hiện, việc xây dựng thí điểm mô hình nông thôn tại Tân Thông Hội đã mang lại kết quả rõ rệt, làm tiền đề cho 5 xã khác của thành phố là Lý Nhơn (Cần Giờ), Nhơn Đức (Nhà Bè), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Tân Nhựt (Bình Chánh) và Thái Mỹ (Củ Chi) tiếp tục thực hiện thí điểm và hoàn thành chỉ tiêu của xã nông thôn mới.
Tại xã, việc quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy hoạch công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch chi tiết các cụm, khu dân cư đã hoàn thành. Trong xây dựng cơ bản, xã đã triển khai xây dựng 49 công trình, bao gồm 39 công trình giao thông; hoàn thành 5 công trình thủy lợi với 5 tuyến kênh mương có tổng chiều dài gần 3 km; 3 trường học, trong đó, xây mới Trường Tiểu học Tân Thông với kinh phí 32 tỷ đồng; 2 công trình văn hóa; đưa vào sử dụng 10 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 5,88 km, với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng; 26 tuyến đường còn lại cũng sắp hoàn thành…
Mô hình trồng hoa, rau sạch đang được chú trọng ở xã NTM Thông Hội
Trong sản xuất nông nghiệp, Tân Thông Hội đã có sự chuyển dịch mạnh từ trồng lúa sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như rau an toàn, hoa, cây cảnh, cá cảnh; phát triển đàn bò sữa, bò thịt, cá cảnh… So vậy, từ 330 ha đất sản xuất lúa với năng suất thấp, sau gần 2 năm triển khai, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của xã đã tăng lên hơn 182,5 triệu đồng/ha, cao hơn 7 lần so với trồng lúa… Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 25,4 triệu đồng/người/năm, tăng 1,36 lần so với trước đây.
Trong khu vực tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ, ngoài một hợp tác xã còn có gần 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh với nhiều ngành nghề, thu nhập bình quân một người đạt từ 1,8-2,5 triệu đồng/tháng. Toàn xã không còn nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo (thu nhập bình quân dưới 12 triệu đồng/người/năm theo tiêu chí của thành phố) chỉ còn 12,4%, vượt 4% so với chỉ tiêu đề ra…
Tất cả là hợp lòng dân
Trong rất nhiều yếu tố tạo nên thành công của Chương trình Xây dựng NTM của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và xã Tân Thông Hội nói riêng, phải kể đến sự ủng hộ và hưởng ứng tích cực của người dân. Ông Đặng Văn Lê ở tổ 10, ấp Trung, xã Tân Thông Hội cho biết: Khi chuẩn bị thực hiện xây dựng NTM, xã, ấp nhiều lần tổ chức họp dân, nêu chủ trương của Đảng, Nhà nước, đề nghị bà con nghiên cứu, đóng góp. Mỗi khi có đủ 100% số dân đồng tình, xã mới hoàn chỉnh trình lên cấp trên xem xét, phê duyệt. Bà Trần Thị Lan, người dân ở cùng ấp cho biết thêm, ai cũng đồng tình vì chủ trương quá hợp lòng dân. Dân bàn là bàn ở chỗ con đường nên mở rộng bao nhiêu cho phù hợp. Hẹp quá thì đi lại khó khăn, rộng quá xài không hết thì tốn tiền Nhà nước, hao đất của dân thôi.
Không chỉ “dân bàn”, người dân Tân Thông Hội còn tích cực tham gia đóng góp, từ 120 tỷ đồng của Trung ương và thành phố năm 2009, người dân đã góp thêm công sức, tiền của để mở rộng, kiên cố cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, làm thay đổi bộ mặt của từng ấp, xóm. Song song với đó, người dân còn giữ vai trò “dân kiểm tra”. Trong mỗi dự án, ngoài giám sát của chủ đầu tư, của cán bộ cấp huyện, cấp thành phố, còn có tổ giám sát nhân dân. Là người trực tiếp thụ hưởng công trình, nhân dân tại chỗ luôn luôn theo sát toàn bộ quá trình xây dựng, từ việc thực hiện đúng thiết kế đến kết cấu, chủng loại, chất lượng, số lượng vật tư nhà thầu sử dụng… do vậy chất lượng công trình được đảm bảo. Ở Tân Thông Hội, thành viên Ban Giám sát cộng đồng còn có thêm đại diện Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh và người dân tại chỗ. Quy định không nghiệm thu công trình khi không có chữ ký xác nhận của Ban giám sát cộng đồng…
Những tiêu chí khi xây dựng các mô hình NTM đều rất cần đối với đời sống người dân, và khi người nông dân thấy quyền lợi gắn liền với gia đình họ thì việc hưởng ứng tích cực là điều dễ hiểu. Thực hiện được điều này, Tân Thông Hội đã đạt được sự thành công quan trọng nhất.
>> Trong xây dựng NTM tại xã Tân Thông Hội, người lao động được tham gia học các ngành nghề đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, sinh vật cảnh; nuôi trồng thủy sản; và trồng rau màu… Đến tháng 8/2011, Tân Thông Hội mở được 24 lớp, thu hút 430 học viên tham gia các nghề trồng rau an toàn (RAT), hoa lan – cây cảnh và nuôi bò sữa.
Thu Hồng