Xây dựng quy trình nuôi Copepoda làm thức ăn cho tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Copepoda là mắt xích thức ăn rất quan trọng cho các loài thủy, hải sản trong đó có tôm với hàm lượng protein, enzyme tiêu hóa và vitamin tương đối cao. Nhận thấy được tiềm năng của Copepoda, Công ty TNHH Thủy sản Ấn Việt đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi và thu hoạch sinh khối Copepoda tại Sóc Trăng làm thức ăn cho tôm”.

Theo nghiên cứu, hàm lượng canxi của Copepoda cao hơn Artemia, thành phần EPA và DHA cũng cao hơn Artemia và luân trùng khác. Những thành phần này sẽ rất hữu ích để cải thiện tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và giảm sự xuất hiện bất thường trên ấu trùng tôm. Mục đích của đề tài nghiên cứu này là cung cấp thức ăn chất lượng cao phục vụ ương cho nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và siêu thâm canh.

Copepoda. Ảnh: ST

Thử nghiệm nuôi sinh khối Copepoda

Đề tài thử nghiệm thả lượng giống là 3 kg/ao với 2 công thức thức ăn tối ưu để nuôi Copepoda và 1 công thức đối chứng, các điều kiện thủy lý, thủy hóa của nước như nhau trong suốt quá trình nuôi.

(A1) Thức ăn đạm thủy phân: Đầu tôm, vỏ tôm, xác tôm chết, cá rô phi xay nhuyễn, men bánh mỳ,… được ủ lên men.

(A2) Thức ăn được tạo trong ao nuôi Copepoda bằng mật rỉ đường và chất thải trực tiếp của ao tôm.

(A3) Ao đối chứng

Ao A1 được thử nghiệm trên ao nuôi đất có diện tích 1.500 m2, khối lượng giống thả là 3 kg/ao. Cho ăn một ngày 1 lần với lượng thức ăn 5 kg hòa vào nước tạt đều khắp ao, cho ăn trong 15 ngày tiến hành thu hoạch Copepoda.

Ao A2 được nuôi bằng công nghệ Biofloc với diện tích ao nuôi cũng là 1.500 m2. Nguồn thức ăn cho Copepoda từ nước thải ao tôm và mật rỉ đường được cung cấp định kỳ 3 ngày/lần với tỷ lệ 15:1, nuôi 15 ngày thì thu Copepoda.

Kết quả thí nghiệm được thể hiện ở Hình 1

Hình 1: Tốc độ tăng sinh khối của Copepoda trong các ao nuôi thí nghiệm

Như vậy, kết quả cho thấy nuôi Copepoda bằng thức ăn đạm thủy phân đạt hiệu quả cao nhất. Khi sử dụng thức ăn là dung dịch đạm thủy phân từ đầu, vỏ tôm và cá rô phi thì người nuôi chủ động được lượng thức ăn cần thiết cho sự phát triển của Copepoda, chất lượng thức ăn tốt hơn, ổn định hơn. Đối với ao nuôi sinh khối Copepoda bằng phương pháp Biofloc thì tùy thuộc vào mật độ Biofloc được tạo ra và sự duy trì mật đô, chất lượng của Biofloc trong ao, nên không đáp ứng tốt nhất cho sự phát triển của Copepoda và không có sự ổn định trong suất quá trình nuôi.

Xử lý Copepoda thương phẩm trước khi cho tôm ăn

Sử dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên để nuôi Copepoda cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh sang ao nuôi tôm, vì vậy, trong đề tài này, tác giả cũng đã xây dựng thí nghiệm “Thu hoạch và xử lý Copepoda tối ứu để cho tôm ăn mà không lây bệnh từ Copepoda sang cho tôm nuôi”

Thu hoạch Copepoda

Với Copepoda được nuôi trong các ao đất, sử dụng lưới thu Copepoda chuyên dụng có kích cỡ mắt lưới 60 µm, miệng lưới thu có chiều rộng 5 m, chiều cao 2 m, chiều dài của lưới thu là 8 m. Lưới được thiết kế đầu miện to nhỏ dần về phía đuôi.

Lưới được đặt ngay sau cánh quạt, bật quạt nước lùa vào lưới và Copepoda theo nước đi vào lưới, sau 3 – 5 giờ tắt quạt, dồn lưới từ miệng lưới đến đuôi lưới để dồn Copepoda vào dụng cụ chứa.

Xử lý Copepoda trước khi cho tôm ăn

Sau khi thu hoạch, Copepoda đưa vào dụng cụ xử lý (phi nhựa 200 lít) đổ nước ¾ dụng cụ, đổ Copepoda vào phi, tiến hành xử lý theo 2 phương pháp:

Bể 1: Dùng máy bơm tạo ra Nanobuble để xử lý Copepoda trong vòng 30 phút trước khi cho tôm ăn.

Bể 2: Dùng Nano thảo dược với nồng độ 20 ppm xử lý Copepoda trong vòng 120 phút trước khi cho tôm ăn.

Bể 3: Đối chứng

Kết quả được thể hiện ở Hình 2.

Hình 2: Kết quả phương pháp xử lý khuẩn trước khi cho tôm sử dụng

Kết quả cho thấy, phương pháp xử lý bằng Nanobuble giảm tỷ lệ vi khuẩn trong môi trường và vi khuẩn bám trên cơ thể Copepoda tốt hơn (<1x 103CFU/mL) so với xử lý bằng Nano thảo dược (>1x103CFU/mL).

Nếu kết hợp xử lý 2 bước, bước 1 xử lý bằng Nanobuble trong vòng 60 phút, bước 2 xử lý bằng Nano thảo dược trong vòng 120 phút (nhồi sinh học) thì có thể xử lý sạch vi khuẩn cả ngoài lẫn trong cơ thể Copepoda, rất an toàn khi cho tôm ăn.

Phan Văn Hài

Công ty TNHH Thủy sản Ấn Việt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!