Xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm thủy sản chủ lực

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản ngày 13/4 tại Hà Nội.

Nhiều khó khăn

Báo cáo của Bộ NN&PTNT, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2022… Các lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Quý 1/2023 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%.

Chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao cùng với sự tăng giá bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công… trong khi thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản khai thác gặp nhiều khó khăn để có thể xuất khẩu được lô sản phẩm hải sản khai thác vào EU do còn nhiều bất cập theo quy định IUU.

Chính vì vậy, giá trị xuất khẩu quý I/2023 của ngành thủy sản sụt giảm 27% so cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,8 tỷ USD và giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính. Theo đó, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý III/2023. 

Chia sẻ tại Hội nghị, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét để sớm có một chương trình kích cầu để tạo tâm lý yên tâm cho nông dân, ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu. Đồng thời, đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ) cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch (nếu thị trường lúc đó vẫn không tốt). Về dài hạn, xin kiến nghị Chính phủ thúc đẩy việc sửa đổi Luật Đất đai, đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành hàng có thể phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp.

Nguồn nguyên liệu hải sản khai thác trong nước ngày càng hạn chế, Chính phủ cần xem nguồn nguyên liệu hải sản đánh bắt hợp pháp từ nước ngoài là nguồn tài nguyên lớn mà Việt Nam có thể đẩy mạnh thu gom, nhập khẩu để phục vụ cho ngành chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch và chính sách bảo tồn nguồn lợi biển, quy định những vùng nuôi, những loài hải sản được khai thác với kích cỡ nhất định, đồng thời có chính sách khuyến khích nuôi biển.

Cùng đó, về mặt tín dụng, cần rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ. Cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3 – 5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý I và II/2023. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Về khơi thông và phát triển thị trường, theo VASEP, thị trường Trung Quốc sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu thủy sản, xin kiến nghị Chính phủ có sự quan tâm cho xây dựng một chiến lược dài hạn 10 năm với mục tiêu tăng gấp đôi thị phần xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Trước mắt đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các địa phương lớn của Trung Quốc, các thị trường giáp biên. Kiến nghị Bộ Công thương bổ sung ngân sách cho Hội chợ thủy sản hàng năm tại Thanh Đảo. Kiến nghị Chính phủ rà soát và làm việc với phía Chính phủ Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam hoặc có các giải pháp liên quan đến việc điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam trong Hiệp định VKFTA.  

Các giải pháp tháo gỡ

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU của Liên minh châu Âu; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Cùng đó, Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Tổ chức tuyên truyền đối với người dân, doanh nghiệp không khai thác IUU, phát triển thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường. VASEP chủ trì, phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ. Thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, cần quan tâm hơn đến đời sống của bà con nông dân, ngư dân thông qua việc ký kết và thực hiện nghiêm các hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm thủy sản cho bà con; tránh để việc bà con sản xuất ra nhưng không có chỗ để tiêu thụ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, lãnh đạo các tỉnh cần giữ mối liên lạc thường xuyên với doanh nghiệp, người dân để tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng đồng thời chính là tháo gỡ cho địa phương, cho nền kinh tế đất nước, như Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo “nâng cao năng lực phản ứng chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển”. “Do đó, đây cũng chính là lúc cộng đồng doanh nghiệp cần thể hiện tâm thế đồng hành với Chính phủ để vượt qua thách thức, cùng kiến tạo không gian phát triển cho đất nước, vì đất nước, bằng tất cả trách nhiệm và bổn phận”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Diệu An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!