T2, 06/07/2020 09:50

Xây dựng thương hiệu cho loài cá rô đồng Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

“Vua cá rô” là tên người dân ở xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đặt cho ông Nguyễn Hoàng Vĩnh.

Năm 2001, ông Vĩnh là người đầu tiên ở miền Nam dấn thân vào nghề nuôi cá rô đồng. Nhờ những thành công và kinh nghiệm của người nông dân này, năm 2002 Trung tâm khuyến nông tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo về vấn đề nuôi cá rô và từ đó con cá rô đồng đã được nuôi rộng rãi ở vùng Đông Nam Bộ.

Ngày đó, sau khi nhân giống thành công loài cá rô đồng, ông Vĩnh đã cho nuôi thử nghiệm 2 triệu con cá giống, trên diện tích ao nuôi 6.000 m2.

Ban đầu, nghĩ cá rô là cá hoang dã nên ông Vĩnh tận dụng mọi thứ để làm thức ăn; vụ đầu tiên phải mất gần 6 tháng ông mới có thể thu hoạch và sản lượng chỉ đạt trên 6 tấn/ha.

Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh bên ao cá rô đồng.

Sau đó, ông Vĩnh quyết định cho ăn thức ăn viên. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, vụ tiếp theo chỉ sau bốn tháng đã cho thu hoạch với sản lượng tăng lên trên 15 tấn/ha. Năm 2006 – 2008, sản lượng đạt mức kỷ lục với hơn 30 tấn/ha, sau khi trừ các chi phí ông Vĩnh thu lãi trên 1,2 tỷ đồng/năm bằng nghề nuôi cá rô đồng.

Bằng hình thức nuôi quảng canh, cho ăn thức ăn viên cộng với việc làm vệ sinh ao hồ mỗi năm 1 lần nên ông Vĩnh có thể nuôi 2 lứa cá/năm. Hiện nay, diện tích ao nuôi của gia đình ông Vĩnh khoảng trên 4,5 ha, ông còn mạnh dạn giúp đỡ bà con về kỹ thuật và giống để nhân rộng mô hình nuôi cá rô đồng. Nhờ đó mà xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hoà đã có 18 ha ao nuôi cá rô.

Tuy nhiên, thời hoàng kim của nghề nuôi cá rô đồng đã không còn nữa. Ông Vĩnh cho biết năm 2001, giá một bao thức ăn là 177.000 đồng, bán 1 kg cá với giá 25.000 đồng. Từ năm 2008 đến nay, giá cả leo thang, nay một bao thức ăn giá 320.000 đồng trong lúc đó giá bán cá vẫn không thay đổi, nên nhiều hộ dân ở xã Tân Hạnh đã chuyển từ nuôi cá rô sang nuôi các loại thủy sản khác.

Đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ông Nguyễn Văn Vĩnh vẫn gắn bó với cá rô đồng. Trăn trở trước việc tìm đầu ra ổn định và xây dựng thương hiệu cho loài cá rô đồng, tháng 6/2010, ông đã đứng ra thành lập hợp tác xã nuôi cá rô đồng Vĩnh Hưng để cùng với các hộ nông dân trong xã xây dựng thương hiệu cá rô đặc trưng của Việt Nam.

Hiện nay, ông Vĩnh đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để Sở Khoa học công nghệ tỉnh Đồng Nai cấp chứng nhận thương hiệu cá rô đồng Biên Hòa và tiến tới đăng ký thương hiệu độc quyền cho loài cá rô này.

Ông cho biết để sản phẩm cá rô đồng đi ra thị trường thế giới, cần có một thương hiệu, một chứng nhận có cơ sở pháp lý, đồng thời phải có một đơn vị đứng ra làm đầu mối. Bên cạnh đó, những người nuôi cá phải áp dụng khoa học kỹ thuật, để con cá vừa ngon vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước những thành công và đóng góp của ông trong nghề nuôi cá, năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tặng ông kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học công nghệ;” nhiều năm liền ông được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.” Ông còn tích cực tham gia làm công tác từ thiện, giúp đỡ những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Công Phong

Theo Việt Nam Plus

   

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!