T2, 06/07/2020 10:28

Xóm ốc ruốc

Chưa có đánh giá về bài viết

Những con ốc ruốc chỉ bằng mút đũa đã làm nên sức sống cho một xóm nghèo ven đô TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Con ốc nhỏ nhoi cho họ cơm no áo ấm.

Xóm ốc ruốc

Khu phố Ninh Tịnh 2 (phường 9, TP Tuy Hòa) nằm ở rìa cánh đồng, cách trung tâm TP Tuy Hòa chỉ 3 phút chạy xe máy. Buổi chiều thơm lừng mùi ốc hấp với gia vị. Ông Năm Định, người dân trong xóm, khề khà: “Tiếng là mình ở phố mà chỉ sống “chay” với nghề nông thì sống làm sao nổi. Gay nhất, ăn tết xong ra Giêng chờ tới tháng 3 âm lịch mới tới mùa gặt. Bây giờ máy nó gặt một loáng, chỉ mất đôi ba ngày là cả cánh đồng trụi lủi, không còn cảnh thuê mướn, ai làm công cho ai. Thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, ruộng lại cày ải gieo sạ, rồi ngồi chống cằm, nhổ râu, phải mất ba tháng chờ thu hoạch lúa hè thu. Nếu không có con ốc ruốc thì…”.

Oc-ruoc-130706.jpg 

Một gia đình trong xóm đãi, luộc ốc ruốc – Ảnh: M.Tâm

Xóm ốc ruốc có 7 hộ, mỗi hộ nhận chế biến 3 tạ ốc/ngày, vị chi hàng ngày xóm này xuất ra thị trường trên 2 tấn ốc luộc. Tôi thắc mắc: Ngày nào cũng có hàng tấn ốc vào chợ đều được tiêu thụ sạch mà không xảy ra tình trạng ế ẩm, trả treo, ép giá như hàng hóa nông sản khác ư? Ngồi ăn hết một bụm ốc, mất vài chục phút, béo bổ cái nỗi gì mà ốc ruốc không bị “đắt đồng ế chợ”?…

Nghe vậy, chị Thoa ở cùng xóm giải thích: “Anh không biết đó chớ, cứ ăn thử vài lần, lể ốc quen tay là thấy ghiền liền!”. Ốc ruốc là thứ ăn chơi, ruột ốc tuy nhỏ (như que tăm) nhưng mỗi lần dùng gai bàn chải “khèo” nó ra khỏi vỏ là một cái thú, khi đưa nó vào đầu lưỡi nhăm nhắp một chút vị mặn ngon ngót, thơm thơm. Lể thêm vài con rồi nuốt, khi trôi tuột là dịch vị kích thích phải nhanh tay khèo cái nữa, cái nữa… Một ký ốc ruốc mà vào tay mấy bà, mấy cô bán hàng ngoài chợ thì chỉ trong nháy mắt đã sạch bách. Ăn hết ký này, ký nữa vẫn chưa thấy đã thèm! Ăn thức gì “no mất ngon” chứ riêng ốc ruốc, ăn càng nhiều càng thấy “ghiền nặng”, chưa thấy ai biết ớn là gì! Nhờ có nhiều người ghiền khèo ốc ruốc mà xóm nghèo bây giờ còn có tên là “xóm ốc ruốc”.


Ốc “nhập khẩu”

Cách đây khoảng 5 năm, nhiều bãi bờ ở biển Phú Yên xuất hiện nhiều bãi ốc ruốc, cả xóm đổ xô ra biển, ngày ngâm mình cào ốc, đêm hì hục nổi lửa luộc và chế biến đến tận khuya để mờ sáng kịp bỏ chợ. Công việc tuy có vất vả vì phải thức khuya, dậy sớm nhưng cả xóm ai cũng vui như bắt được của trời cho. Nhưng không hiểu lý do gì 3 năm trở lại đây, vùng biển ở các đầm vịnh từ Cù Mông đến Đại Lãnh (Khánh Hòa) tự dưng mất hút loài ốc ruốc. Nhiều người nhận định, có lẽ do cào kéo, khai thác đến mức ốc không kịp sinh nở, nên đã bị “tuyệt chủng” rồi chăng?

May sao 3 năm trở lại đây, có một thương lái chuyên mua gom ốc ruốc vùng biển duyên hải miền Trung đã nhận cung cấp ốc nguyên liệu. Cả xóm lại tiếp nối việc làm và thu nhập ổn định từ nghề chế biến ốc ruốc. Họ quen gọi đó là những tấn ốc được “nhập khẩu”. Từ tháng Giêng đến tháng 4 âm lịch, ốc được cung cấp từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; từ tháng 5 đến tháng 6 là của Thừa Thiên – Huế… Cứ thế mà xoay vòng cho đến đầu tháng 7, khi những ngọn gió nam cồ thốc mạnh cũng là lúc “đứt điếu” nguồn ốc ruốc. Cả xóm lại quay về với việc chờ ai thuê gì làm nấy…

Oc-ruoc130706.jpg 

Trộn gia vị cho món ốc ruốc vừa luộc – Ảnh: Đ.Tuấn


Lớn, nhỏ đều có việc

Bắt đầu của công việc chế biến ốc ruốc là từ 5 đến 6 giờ chiều, đàn ông từng nhà chạy xe máy ra quốc lộ đón các chuyến xe ở tỉnh ngoài vào Nam để nhận hàng tấn ốc ruốc đã được hợp đồng trước qua điện thoại. Khi từng bao ốc vừa về tới nhà, cả gia đình vào việc: con trai lớn dùng xe máy chở hàng chục can nước biển về cho vào những chiếc thau lớn để đổ ốc vào ngâm. Vợ và con gái thì chú tâm vào việc đãi ốc. Đây là công đoạn quan trọng nhất của việc chế biến ốc, vì đãi không sạch, người ăn phát hiện ốc có cát, ốc sẽ không bán được. Phải mất khoảng 2 giờ để ngâm ốc trong nước mặn. Con ốc cả ngày nằm trong bao tải, giờ gặp nước biển nên thè lưỡi ra, lúc này mới dễ đãi sạch cát…

Khi ốc đã sạch cát, chồng nổi lửa bắc nồi nước, cho từng nhả vào luộc. Vợ và con gái sao tẩm ốc với bột ngọt, đường, lá dứa, sả, ớt… nêm nếm vừa miệng, trộn cho ốc thấm đều gia vị. Hàng đêm, không khí ở những hộ chế biến ốc ruốc thật rôm rả. Vì họ biết, hàng tấn ốc này, qua sáng hôm sau sẽ cho họ nguồn lợi mà những công việc trước nay không bao giờ có…

Từ ngày xóm nghèo bận bịu với việc chế biến ốc ruốc, những ông chồng sức dài vai rộng thoát khỏi cảnh “vô công rỗi nghề”. Láng giềng cũng bớt khổ vì không còn “mệt tai” với cảnh càm ràm, chì chiết vì “con trai không việc làm, chơi bời lêu lổng; mấy ông chồng rỗi việc thường ta tập nhậu nhẹt rồi “vạ lây” vợ con…”, như lời ông Năm Định.


Một mùa làm, cả năm ăn

Một ký ốc ruốc nguyên liệu từ các tỉnh chuyển đến Tuy Hòa có giá từ 7.000 đến 8.500 đồng. Họ bỏ sức chế biến, bỏ mối lại cho các điểm bán lẻ với giá từ 11.000 đến 12.000 đồng/kg. Vợ chồng anh Còn ở xóm này ngày đêm chế biến 3 tạ ốc, trừ chi phí nguyên vật liệu, có thu nhập ổn định từ 500.000 đến 700.000 đồng/đêm. Anh Còn tỉ tê: “Không giấu gì anh, con bò lai trong chuồng kia, tui mua 12 triệu đồng sau mùa ốc ruốc năm rồi; mới tròn năm, giờ đã có người ngã giá 28 triệu đồng. Sàn nhà lát lại gạch men, ti vi màn hình phẳng 32 inch, tủ lạnh, đầu karaoke…, mỗi năm sắm sửa một ít đều nhờ ốc ruốc cả”.

Ông Năm Định cũng “ca” ốc ruốc hết lời: “5 năm trước, gia đình tui chưa có thu nhập từ việc chế biến ốc ruốc, cả nhà kẹt cứng không biết xoay xở ra sao. Nhà có 5 người, chồng làm thợ xây, vợ phụ hồ, quanh quẩn kiếm cái ăn qua ngày, đành ngậm ngùi để 2 đứa lớn nghỉ học giữa chừng. Nhà có con cái lớn tồng ngồng mà phải tắm trong cái lều quây tấm bạt… Nhờ trời, 3 năm trở lại đây, con ốc ruốc đã cứu khổ nhà tui. Một mùa ốc ruốc, từ tháng Giêng tới tháng 7, gia đình thu ổn từ 50 tới 70 triệu đồng. Tích cóp xây nhà sắm cửa đã được được, còn thằng út học đến lớp 12, tui động viên nó ăn học để trong nhà cũng có được một cử nhân”.

Mạnh Minh Tâm

Báo Phú Yên điện tử

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!