Xu hướng chứng nhận bền vững trong xuất khẩu thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo báo cáo của Hội đồng Quản lý Biển (MSC) và Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC), nhu cầu về chứng nhận thủy sản bền vững ngày càng tăng ngay cả trong đại dịch COVID-19.

Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 160 thị trường trên thế giới và đang có vị thế nhất định ở các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Australia… Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng sản xuất và xuất khẩu thủy sản thì các thị trường nhập khẩu cũng ngày càng tăng các yêu cầu về chứng nhận để kiểm soát và thúc đẩy các hoạt động từ khai thác đến nuôi trồng thủy sản bền vững.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh buộc người dân phải hạn chế ra ngoài dẫn đến doanh thu bán lẻ hải sản tăng mạnh; năm 2020, sản phẩm TTTC Thái Bình Dương được ASC chứng nhận được bán ở EU tăng 27%; xu hướng quảng bá rằng chỉ bán hải sản đảm bảo khai thác bền vững trở nên phổ biến hơn trong các nhà hàng ở Tây Bắc Âu; sự nỗ lực thúc đẩy việc tiêu thụ hải sản được sản xuất bền vững của EU đối với các đầu bếp hàng đầu; một số nhà nhập khẩu lĩnh vực phục vụ thực phẩm dần chuyển hướng sang thủy sản bền vững. MSC dự kiến các sản phẩm cá ngừ được chứng nhận bền vững trong giai đoạn từ năm 2020 – 2021 tăng 38% so giai đoạn 2019 – 2020.

Tính bền vững của hải sản là quan trọng đối với môi trường nhưng cũng là các vấn đề xã hội. Sản xuất thủy sản có thể liên quan đến lao động cưỡng bức và các điều kiện lao động nguy hiểm. Do đó, sản xuất và chế biến thủy sản cần có chứng nhận tuân thủ xã hội. Các tiêu chuẩn chứng nhận tính bền vững như MSC và ASC tập trung vào cả tác động môi trường và xã hội của sản xuất thủy sản. 

Chứng nhận bền vững được dự đoán sẽ là một yêu cầu cần thiết đối với tất cả các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU trong vòng 10 năm tới. Do đó, việc thực hiện các bước cần thiết để đáp ứng nhu cầu này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu cũng có thể tìm thấy các chương trình cho các vấn đề xã hội trong suốt chuỗi cung ứng. Ví dụ tiêu chuẩn SA8000 hoặc Sáng kiến ​​Tuân thủ Xã hội Kinh doanh (BSCI). Tiêu chuẩn SA8000 là chương trình chứng nhận xã hội hàng đầu thế giới. BSCI cung cấp cho các công ty một phương pháp kiểm toán xã hội. Điều này giúp họ cải thiện điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng của mình.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!