Xu hướng tăng năng suất cho tôm năm 2022

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngành nuôi tôm đang chuyển dịch công nghệ hóa trong nhiều giai đoạn từ ương đến nuôi thương phẩm, để tối ưu việc tăng năng suất ở tôm, đảm bảo chất lượng tôm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thử nghiệm chiếu sáng

Việc sử dụng ánh sáng nhân tạo đã được chứng minh là làm tăng đáng kể tỷ lệ sống và tỷ lệ tăng trưởng của tôm sau khi thử nghiệm tại Việt Nam. Ánh sáng được sử dụng để tối ưu hóa sản xuất của một số loài thủy sản nhưng hiếm khi được sử dụng trong các trang trại nuôi tôm cho đến nay.

TS Trần Hữu Lộc, người sáng lập ShrimpVet (Minh Phú AquaMekong Co), đã hợp tác với Signify để tìm hiểu xem việc bổ sung hệ thống chiếu sáng có thể cải thiện sự ổn định của hệ thống nuôi tôm và tạo ra sản lượng tôm ổn định hơn hay không. Họ đã thử nghiệm đèn tôm Philips AquaAdvance 260W, được thiết kế riêng cho tôm bằng cách sử dụng quang phổ xanh lam và xanh lục đã được cấp bằng sáng chế.

“Việc bổ sung ánh sáng vào sản xuất tôm làm cho tôm phát triển nhanh hơn và tăng 35% tỷ lệ sống. Tôi thấy đây là một tiềm năng rất lớn để tăng sản lượng tôm. Việc áp dụng các công nghệ như ánh sáng sẽ giúp tôm tăng trưởng và chống chọi với thời tiết và sự thay đổi theo mùa”, TS Lộc cho biết.

Thử nghiệm chiếu sáng nhân tạo cho ao tôm. Ảnh: Signify

Theo Signifiy, việc sử dụng ánh sáng nhân tạo ngăn chặn sự thay đổi ánh sáng đột ngột có thể gây ra các phản ứng căng thẳng ở tôm. Nó cũng cho phép người nuôi kiểm soát các điều kiện môi trường và ảnh hưởng đến hành vi của tôm, chẳng hạn như hoạt động cho ăn và các quá trình sinh lý bao gồm tốc độ trao đổi chất, tăng trưởng và trưởng thành.

“Kết quả là tôm có khả năng chống lại mầm bệnh tốt hơn và khả năng miễn dịch nói chung mạnh hơn. Tỷ lệ sống sót tăng lên 35%, năng suất tăng 47%. Philips AquaAdvance 260W cũng giúp tôm chuyển hóa thức ăn tốt hơn, cải thiện khả năng lên đến 22% trong khi tăng trọng lượng tôm lên 32%. Với dòng đèn này, giờ đây có thể thu hoạch tôm trong mùa mưa. Điều này không chỉ làm cho việc nuôi trồng hiệu quả hơn mà còn tích cực cho môi trường do sử dụng ít thức ăn hơn dẫn đến ít chất thải trong nước. Công ty này cũng cho biết trong một thông cáo báo chí, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn có nghĩa là chu kỳ sản xuất ngắn hơn, giúp dịch bệnh có ít thời gian hơn để phát triển.

Bổ sung vi tảo

Nghiên cứu

Bổ sung vi tảo T pseudonana (Thalassiosira pseudonana) vào nước nuôi có thể cải thiện chất lượng nước tổng thể, ngăn chặn mức độ Vibrio và tăng tốc độ tăng trưởng cho TTCT nuôi thâm canh.

Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Aquaculture đã xác định được nhiều lợi ích của việc nuôi vi tảo cùng với TTCT. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra việc thêm vi tảo T pseudonana vào nước nuôi làm giảm đáng kể mức amoniac, chất rắn lơ lửng, phosphat, nitrit và nitrat trong chu kỳ nuôi. Ngoài ra, vi tảo giúp điều chỉnh mức độ pH và tăng nồng độ ôxy hòa tan trong ánh sáng ban ngày.

Nghiên cứu cũng cho thấy việc bổ sung vi tảo vào môi trường nuôi sẽ làm giảm nồng độ Vibrio trong trầm tích bể và nước xung quanh. Điều này cho thấy vi tảo có thể giúp tôm khỏe mạnh hơn bằng cách ngăn chặn mầm bệnh. Khi so sánh với nhóm đối chứng, các nhà nghiên cứu cho biết tôm được nuôi cùng với vi tảo có tốc độ tăng trọng và tăng trưởng trung bình cao hơn đáng kể, đồng thời đạt được hệ số chuyển đổi thức ăn thấp nhất. Kết quả cho thấy rằng việc bổ sung T pseudonana vào các hệ thống nuôi thâm canh sẽ cải thiện chất lượng nước và ngăn ngừa sự tích tụ của Vibrio trong nước, từ đó có thể dẫn đến hiệu suất tăng trưởng tốt hơn cho tôm.

Sử dụng vi tảo hoặc công nghệ “nước xanh” trong các hệ thống NTTS cũng mang lại những lợi ích khác. Ngoài việc loại bỏ chất dinh dưỡng trong nước nuôi, các loài vi tảo có thể xử lý nước thải NTTS và giảm thiểu ô nhiễm ở các khu vực lân cận. Do chứa lipid, khoáng chất và các axit amin thiết yếu nên vi tảo cũng có thể dùng làm nguồn thức ăn cho cá nuôi và động vật giáp xác. Các nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng việc bổ sung vi tảo vào nước nuôi đã cải thiện khả năng sống sót tăng trưởng và tăng trọng của tôm khi so sánh với đối chứng.

Thử nghiệm và kết quả

Đối với nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng TTCT hậu ấu trùng không có mầm bệnh cụ thể và chia thành 3 nhóm thử nghiệm. Nhóm đối chứng được đưa vào nuôi trong 3 bể bê tông (kích thước 6x5x1,6 m) với mật độ thả 250 con/m3. Chúng được nuôi trong nước biển trong 84 ngày thử nghiệm. 2 nhóm thử nghiệm còn lại được nuôi trong 6 bể riêng biệt với cùng kích thước và mật độ nuôi, nhưng thay vì chỉ sử dụng nước biển, các nhà nghiên cứu đã đưa các loài vi tảo khác nhau vào bể trong thời gian thử nghiệm.

Tôm được nuôi bằng T. pseudonana có số lượng Vibrio trong nước và trầm tích nuôi cấy thấp hơn. Ảnh: TFS

Một nhóm thử nghiệm được nuôi với vi tảo Nannochloropsis oculata (N. oculata) với mật độ thả 10×104 ~ 80×104 tế bào/ml. Nhóm còn lại được nuôi với Thalassiosira pseudonana ở cùng mật độ thả. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tôm có kích thước đồng đều để có thể so sánh tốc độ tăng trưởng và tăng trọng của chúng.

Thử nghiệm cho thấy tôm được nuôi trong nhóm thử nghiệm đã cải thiện tốc độ tăng trưởng và khả năng sống sót khi so sánh với nhóm đối chứng. Các nhóm được nuôi bằng vi tảo cũng cho thấy các thông số chất lượng nước tốt hơn so với các nhóm được nuôi chỉ trong nước biển. Tuy nhiên, tôm trong nhóm T. pseudonana cho kết quả tốt hơn đáng kể trên các chỉ số nghiên cứu so với tôm trong nhóm đối chứng hoặc tôm được nuôi bằng vi tảo N. oculata.

Nuôi tôm cùng với T. pseudonana giữ nitrit, nitrat, orthophosopat, tổng amoniac nitrat và hàm lượng chất rắn lơ lửng ở mức thấp. Vi tảo này cũng giúp điều chỉnh nồng độ pH và tăng nồng độ ôxy hòa tan trong nước nuôi vào ban ngày. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết mức độ Vibrio trong nước nuôi và trầm tích thấp hơn đáng kể ở nhóm này, cho thấy rằng vi tảo có thể ngăn chặn sự phát triển của các mầm bệnh cơ hội.

Tôm ở nhóm T. pseudonana cũng có mức tăng trọng trung bình cao nhất (1,49 ± 0,056 g/tuần), tốc độ tăng trưởng (1,50 ± 0,067 g/tuần) và tỷ lệ chuyển hóa thức ăn thấp nhất (1,42 ± 0,023). Các nhà nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ năng suất tổng thể của tôm trong nhóm T. pseudonana cao hơn 25% so với tôm trong nhóm đối chứng.

Từ những kết quả này, các nhà nghiên cứu cho rằng việc bổ sung T pseudonana vào nước nuôi cấy sẽ phù hợp hơn so với việc sử dụng N. oculata và cũng đề nghị thực hiện nghiên cứu sâu hơn về tỷ lệ bao gồm của vi tảo trong nước nuôi và cách ánh sáng mặt trời tác động đến các đặc tính quang hợp của tảo.

Công nghệ đông tụ điện (EC)

NaturalShrimp Inc đã nộp bằng sáng chế cho công nghệ đông tụ điện (EC) mới có thể giảm nitrit trong hệ thống NTTS tuần hoàn (RAS) mà không cần bộ lọc sinh học. Công nghệ này sẽ giúp tăng năng suất ở tôm nuôi.

Công nghệ EC có thể loại bỏ amoniac trong RAS trước khi nó chuyển đổi thành nitrit. Ảnh: Natural Shrimp

Trong RAS, hệ thống lọc phải liên tục loại bỏ amoniac để xử lý nước hiệu quả và giữ được lượng dự trữ sản xuất. Theo truyền thống, một bộ lọc sinh học sử dụng vi khuẩn phát triển trên môi trường nhựa để chuyển amoniac thành nitrit và sau đó nitrit được chuyển thành nitrat.

Công nghệ đông tụ điện được cấp bằng sáng chế đã chứng minh khả năng loại bỏ amoniac trong hệ thống NTTS tuần hoàn (RAS) trước khi chuyển đổi thành nitrit. Nhóm kỹ thuật NaturalShrimp hiện đã phát hiện ra hệ thống EC cũng có thể giảm nitrit mà không cần bộ lọc sinh học trong RAS, nơi có thể gây ra sự tích tụ nitrit.

Ông Thomas Untermeyer, Giám đốc Công nghệ của NaturalShrimp cho biết: “Công nghệ của chúng tôi đang nhanh chóng chứng minh khả năng cho phép kiểm soát hoàn toàn môi trường đối với sản xuất NTTS. Công nghệ Hydrogas (TM) và EC có khả năng tác động đến hóa học nước và nâng cao chất lượng nước. Chúng tôi mong muốn được chia sẻ kết quả và cơ hội bổ sung cho công nghệ của mình khi tiếp tục tập trung vào việc mở rộng quy mô sản xuất tôm cao cấp trên cạn”.

Hà Thành

Theo TFS

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!