Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu nghiêm trọng, giá lương thực leo thang, hợp tác xã nông nghiệp được coi là vũ khí quan trọng giúp người dân sản xuất nhỏ thoát nghèo.
Chìa khóa nuôi dưỡng thế giới
Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp quốc (FAO) khẳng định HTX nông nghiệp là chìa khóa nuôi dưỡng thế giới. Tổng giám đốc FAO, ông Jose Graziano da Silva đã kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới nêu cao trách nhiệm và tạo điều kiện để các HTX phát triển.
Tại nhiều quốc gia, nông dân sản xuất nhỏ lẻ là lực lượng sản xuất chính, nhưng rất khó tiếp cận thị trường, vì không đủ sức mua sản phẩm đầu vào với giá rẻ và cũng khó tiếp cận các dịch vụ tài chính. Nhưng, HTX nông nghiệp có thể giúp hộ dân sản xuất nhỏ lẻ khắc phục hạn chế đó.
HTX nông nghiệp – chìa khóa nuôi dưỡng thế giới – Nguồn: FAO
Theo Liên minh HTX quốc tế (ICA), các mô hình doanh nghiệp do chủ đầu tư sở hữu đang trải qua những bất ổn về kinh tế, xã hội và môi trường trong khi mô hình HTX chứng tỏ được sự bền vững trong giai đoạn khủng hoảng. Với việc lấy nhu cầu con người làm trọng tâm, HTX đã thích nghi với cuộc khủng hoảng hiện nay và nhân rộng mô hình chia sẻ giá trị riêng của nó. Ngoài ra, mô hình này không trở thành nạn nhân dễ bị tác động của tư bản hóa trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đề ra nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững trên toàn cầu, vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ của các HTX trên toàn thế giới.
Phát triển thế nào?
Tại Malaysia, chính phủ cũng thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược để mở rộng mạng lưới kinh doanh của HTX khu vực ASEAN. Điều này đã giúp các HTX ở Malaysia mở rộng cơ hội kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau; từ đó, tác động tích cực tới sự phát triển của các HTX tại nước này. Chính phủ Indonesia chủ trương xây dựng nhà máy chế biến TĂCN và bán hàng nội địa để tận dụng nhân công rẻ, từ đó kiểm soát giá thực phẩm và TĂCN.
Tuy nhiên, tại Hà Lan dù giá trị sản phẩm gia tăng của các HTX nông nghiệp đóng góp tới 25% GDP, nhưng chính phủ không có bất kỳ một sự hỗ trợ nào cho phong trào HTX vì HTX của nông dân cũng giống như chủ một doanh nghiệp, phải tự tìm cách kinh doanh, đưa ra mô hình phù hợp với sức của mình. Theo ông Jan H. Lunshof, Cố vấn Luật HTX, Hội đồng quốc gia HTX nông nghiệp Hà Lan, ngay từ khi HTX mới bắt đầu hình thành, các xã viên đã thành lập ra một hệ thống tự cung cấp tài chính, trách nhiệm và quyền hạn rõ ràng. Họ cho rằng HTX thường không thể chịu được những rủi ro từ việc vay vốn của các nhà đầu tư từ bên ngoài do lãi suất rất cao, khiến lợi nhuận của xã viên cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nguyên tắc tự cung cấp tài chính được thực hiện thông qua khả năng thanh toán, dự trữ; tất cả giao dịch đều chuyển qua tài khoản xã viên, không trả bằng tiền mặt.
Nguồn: Rohit Mishra
Tại Đức, các HTX nông nghiệp được đối xử bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác. Chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông nghiệp được áp dụng chung cho mọi đối tượng tham gia; trong đó có HTX và xã viên HTX. Kinh tế HTX của Đức được coi là một bộ phận quan trọng của thành phần kinh tế dân doanh. Kinh tế nông nghiệp của Đức theo truyền thống phần lớn vẫn thuộc về cá nhân nông dân, kinh tế hộ và chủ trang trại nhỏ với số lượng khoảng hơn 400.000 đơn vị sản xuất nông nghiệp. Không như ở Mỹ hay các nước Tây Âu khác chủ trang trại thường có diện tích canh tác rất lớn, tại Đức có trên 90% số hộ nông dân hay chủ trang trại nhỏ chỉ có từ 1 đến dưới 50 ha đất nông nghiệp.
Không phủ nhận vai trò HTX, nhưng việc xây dựng mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả còn phụ thuộc điều kiện mỗi quốc gia và quan trọng nhất là cần chính sách nông nghiệp linh hoạt và sự chủ động của mỗi người nông dân tham gia mô hình này.
>> Tổng Giám đốc FAO Jose Graziano da Silva cho biết, mặc dù hiện nay tại nhiều nước, những người nông dân sản xuất nhỏ là lực lượng chính tạo ra phần lớn lương thực, nhưng họ không dễ dàng tiếp cận thị trường, không đủ tiền mua sản phẩm đầu vào với giá rẻ hơn và khó tiếp cận dịch vụ tài chính. HTX nông nghiệp có thể giúp các hộ nông dân sản xuất nhỏ khắc phục những hạn chế đó. |