(TSVN) – Mưa bão gây ra nhiều bất lợi, làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước và gia tăng khả năng tôm bị bệnh hại xâm nhập. Vì vậy, người nuôi cần áp dụng các kỹ thuật quản lý kịp thời và hiệu quả để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sức khỏe cho đàn tôm.
Đối với những ao không còn tôm, cần rút cạn nước bắt hết cá tạp, nạo vét bùn và rác ra khỏi ao, tu sửa bờ, cống ao nuôi, xóa bỏ nơi ẩn nấp của sinh vật gây hại.
Sử dụng vôi bột rắc xung quanh bờ và đáy ao nuôi với lượng 7 – 10 kg/100 m². Việc rắc vôi có tác dụng diệt khuẩn và trung hòa pH của đất đáy ao. Sau đó phơi ao từ 3 – 5 ngày để diệt vi khuẩn và ký sinh trùng còn sót lại.
Nguồn nước cấp vào ao nuôi phải đảm bảo an toàn, không bị ô nhiễm và được lọc qua lưới lọc mắt dày để ngăn các đối tượng địch hại (cá tạp, cá dữ) theo dòng nước vào ao nuôi.
Gây màu nước bằng cách phối trộn mật rỉ đường + cám gạo + bột đậu nành (theo tỷ lệ 3:1:3) ủ trong 12 giờ, lượng dùng 0,2 – 0,3 kg/100 m3 nước, tạt liên tục trong 3 ngày vào lúc 9 – 10 giờ sáng.
Sau 3 – 5 ngày, khi nước có màu xanh nõn chuối hoặc màu nâu nhạt, cấp bổ sung và duy trì mực nước đạt trên 1,2 m rồi tiến hành thả giống.
Đối với ao có tôm, ngay sau những cơn mưa, việc làm cần được ưu tiên chính là tiến hành kiểm tra bờ ao, cống cấp thoát nước,… để biết được tình trạng ao nuôi và lượng thủy sản nuôi có thất thoát hay không. Sau đó, thu dọn, vớt rác, lá cây, thân cây bị đổ xung quanh để làm sạch ao và tránh lá cây bị thối gây ô nhiễm cho nguồn nước trong ao.
Cần điều chỉnh lượng thức ăn để tránh lãng phí và ô nhiễm nước. Ảnh: Tép bạc
Sau mưa, nước ao thường bị đục, độ kiềm có thể bị giảm do các chất hữu cơ, hạt sét bị nước mưa cuốn trôi từ trên bờ xuống. Khắc phục bằng cách sử dụng muối vô cơ như nhôm sunfat (Al2(SO4)3) để tạo kết tủa và lắng tụ hay thạch cao với liều lượng 30 kg/1.000 m2 và lặp lại 2 – 3 lần. Dùng Dolomite liều lượng 10 – 20 kg/1.000 m³ xử lý từ từ cho đến khi độ kiềm đạt ngưỡng cho phép. Ngoài ra, cần kiểm tra các yếu tố khác như lượng khí độc trong ao để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi ổn định được độ trong, tiến hành gây lại màu nước cho ao nuôi.
Sau mưa, nước trong ao thường lên cao, vì vậy, cần xả bớt lượng nước tầng mặt trong ao để duy trì mực nước thích hợp và tránh gây ra hiện tượng phân tầng nước. Khi xả nước cần phải lưu ý để tránh làm giảm độ mặn đột ngột (trong ao nuôi tôm), tránh tràn bờ, vỡ cống (do lượng nước sau mưa bão là rất lớn).
Cần đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan ở ngưỡng thích hợp cho sự phát triển của tôm nuôi. Tiến hành chạy quạt nước và sục khí liên tục để cung cấp đủ ôxy trong ao. Đồng thời, người nuôi cần dự trữ thêm viên ôxy tức thời để phòng cho trường hợp thiếu ôxy khẩn cấp.
Sau mưa, pH trong ao nuôi cũng ở mức thấp và không ổn định. Khi kiểm tra pH trong ao nếu thấy pH chưa đạt ngưỡng thích hợp cần bón CaCO³ với lượng 15 – 20 kg/100 m².
Khi ngừng mưa, nhiệt độ trong nước tăng lên, các chất hữu cơ phân hủy nhanh tạo ra các khí độc như H2S, NH3 trong ao làm tôm dễ bị ngộ độc, cần sử dụng các sản phẩm như Yucca, Zeolite,… để giải phóng khí độc trong ao nuôi. Khi thời tiết ổn định, sử dụng các thuốc như Iodine, BKC,… để diệt khuẩn trong ao nuôi, sau đó sử dụng men vi sinh để cải thiện môi trường và ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh.
Mưa bão có thể thúc đẩy quá trình phát triển của tảo trong ao do sự gia tăng đột ngột của chất dinh dưỡng từ đất, rác thải, hoặc phân bón bị cuốn vào. Khi tảo bùng phát không kiểm soát có thể làm giảm hàm lượng ôxy hòa tan, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của tôm. Do đó, cần kiểm soát sự phát triển của tảo bằng cách giảm lượng thức ăn, điều chỉnh ánh sáng mặt trời vào ao, hoặc sử dụng các sản phẩm xử lý tảo nếu cần thiết.
Song song với việc ổn định môi trường nước, để phòng bệnh cho tôm sau bão hiệu quả, người nuôi nên quan sát các dấu hiệu về sức khỏe của tôm. Cụ thể, kiểm tra xem phản ứng có linh hoạt không, màu sắc, đường ruột, gan tụy, phân tôm,… có bình thường không, tôm có bị đen mang hoặc vàng mang hay không? Sau mưa bão, tôm thường ăn ít hơn do bị stress và sự thay đổi đột ngột của môi trường nước. Do đó, cần điều chỉnh lượng thức ăn để tránh lãng phí và ô nhiễm nước. Có thể giảm lượng thức ăn trong vài ngày đầu sau bão và sau đó từ từ tăng trở lại khi tôm đã thích nghi với môi trường mới.
Ngoài ra, nên bổ sung các loại thức ăn giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa để giúp tôm nhanh chóng phục hồi. Các loại thức ăn có chứa men vi sinh, axit béo không no, và vitamin sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và khả năng chống chịu của tôm sau mưa bão.
Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần tiến hành điều trị ngay bằng các biện pháp thích hợp như bổ sung men vi sinh, sử dụng thuốc phòng bệnh, hoặc điều chỉnh môi trường nước. Trường hợp tôm nổi đầu, cần xác định nguyên nhân là do đâu, nếu là do thiếu ôxy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, giảm lượng thức ăn, thay một phần nước ao hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ.
Thu gom, xử lý rác, thủy sản chết (nếu có) và các chất thải khác trong khu vực nuôi, không để ô nhiễm môi trường; rửa và sát trùng dụng cụ nuôi, bờ ao bằng các loại thuốc sát trùng thông thường (vôi, Chlorine, TCCA).
Đảm bảo có máy phát điện dự phòng để vận hành các hệ thống sục khí hoặc máy quạt nước trong trường hợp mất điện kéo dài.
Ngoài ra, cần theo dõi thường xuyên thông báo diễn biến mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp bảo vệ ao nuôi hiệu quả.
Nam Cường