Xử lý bệnh đen đầu, đen thân, tuột vảy, xuất huyết trên cá trắm cỏ

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Xin hỏi cách xử lý bệnh đen đầu, đen thân, tuột vảy, xuất huyết trên cá trắm cỏ?

(Trương Văn Minh,  xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) 

Trả lời:

Tác nhân chính gây bệnh là do vi khuẩn Aeromonas sp. gây ra. Khi môi trường nước thay đổi, mùn bã hữu cơ cao làm tăng số lượng và tăng độc lực vi khuẩn, rất dễ nhiễm vào cơ thể cá trắm thông qua mang, qua da hoặc đường tiêu hóa của cá không khỏe, sau vận chuyển, sinh bệnh đen thân, tuột vảy, loét hậu môn. Bệnh thường xuất hiện vào tháng 3 – 4 hàng năm, xảy ra với cá sau khi đánh bắt bị xây xát, vận chuyển không đảm bảo hoặc chất lượng môi trường nước nuôi không thuận lợi.

Để xử lý bệnh cần khử trùng nước ao nuôi bằng một trong các loại thuốc sát trùng như BKC hoặc Iodine, hoặc viên sủi khử trùng, kết hợp với dùng thuốc kháng sinh Sultrim (Sulfadiazine kết hợp Trimethoprime) hoặc Cotrimin hay Florphenicol hoặc Doxycycline trộn vào cỏ hoặc thức ăn viên cho cá ăn liên tục 5 – 7 ngày. Trong quá trình xử lý phát hiện thấy cá đen thân, bỏ ăn cần vớt bỏ ngay nhằm tránh lây sang cả đàn. Cá bệnh loại ra không xả ra môi trường nuôi mà cần được xử lý bằng nhiệt làm chết vi khuẩn gây bệnh rồi tái sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, cá nuôi khác hoặc có thể xử lý làm phân bón cho cây trồng.


Hỏi: Xin hướng dẫn cách quản lý môi trường ao nuôi tôm càng xanh?

 (Nguyễn Ba Hân, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau  )

Trả lời:

Tôm càng xanh sống ở môi trường có pH thích hợp là 6.5 – 8.5, ôxy hòa tan > 3 mg/l, độ mặn khoảng 0 – 16‰. Khi pH môi trường thấp (pH < 5) tôm sẽ nổi đầu, dạt vào bờ, mang đổi màu, mang và các phụ bộ bị lở loét, tôm bơi lội chậm chạp và chết sau đó. Cần chú ý hiện tượng tôm nổi đầu vào buổi sáng do thiếu ôxy, khi đó cần tiến hành trao đổi nước ngay. Trong quá trình nuôi nên sử dụng thêm một số chế phẩm sinh học giúp phân hủy thức ăn dư thừa và chất thải, xử lý bùn đáy ao, khử khí độc làm sạch môi trường nước. Để hạn chế bệnh, người nuôi cần chuẩn bị kỹ ao nuôi, xử lý bùn đáy ao, nước cấp vào ao phải đi qua lướt lọc hoặc xử lý. Định kỳ bón 4 kg vôi/100 m2 ao/lần/tháng để diệt vi khuẩn gây bệnh cho tôm.

Hỏi: Cá rô phi có biểu hiện bỏ ăn, nổi lờ đờ trên tầng mặt, màu da tối, thân mất nhớt, khô ráp. Trên thân xuất hiện các đốm xuất huyết màu đỏ, loét. Xin hỏi cá bị bệnh gì và cách phòng trị ra sao?

(Trần Thanh Sơn, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, Hải Dương)

Trả lời:

Theo mô tả, cá có thể bị bệnh xuất huyết đốm đỏ (bệnh viêm ruột) do vi khuẩn Aeromonas spp gây ra. Người nuôi cần áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Trị bệnh bằng Oxytetracycline để tắm cho cá giống trong thời gian 1 giờ. Cá thịt dùng phương pháp cho ăn kháng sinh trộn với thức ăn; Sulfamethoxazol + Trimethoprim, liều dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Cho cá ăn liên tục từ 5 – 7 ngày. Riêng với kháng sinh từ ngày thứ 2 trở đi liều lượng giảm đi 1/2 so với ngày ban đầu.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!