Xử lý độc tố trong thức ăn thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Độc tố trong thức ăn có tác động gì đến sức khỏe thủy sản?

(Nguyễn Văn Nhân, xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình)

Trả lời:

Độc tố trong thức ăn thủy sản là những thành phần có trong thức ăn gây hại đến sức khỏe động vật và làm suy giảm khả năng miễn dịch của chúng. Những năm qua, trong lĩnh vực sản xuất thức ăn thủy sản, xu hướng thay thế nguồn protein động vật bằng protein thực vật đã dẫn đến nguy cơ nhiễm độc tố cao hơn. Đặc biệt, ở các vùng có khí hậu nóng ẩm, như khu vực Đông Nam Á, việc nhiễm độc tố nấm mốc thường xảy ra phổ biến hơn. Thức ăn cho tôm chủ yếu chứa Deoxynivalenol (DON), đây là một độc tố nấm mốc điển hình được tìm thấy trong lúa mì; còn thức ăn cho cá chủ yếu chứa Fumonisins, một chất độc điển hình từ bột bắp. Chúng ảnh hưởng đến sức khỏe của thủy sản, làm giảm khả năng tăng trưởng, giảm tiêu thụ thức ăn và rối loạn biến dưỡng sphingolipid; Aflatoxin là độc tố được sản sinh tự nhiên bởi một số loài nấm mốc trong giống Aspergillus, chủ yếu là Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus. Các loại nguyên liệu thực vật thường bị nhiễm Aflatoxin là ngũ cốc (ngô, kê, lúa miến, gạo, lúa mì), hạt có dầu (lạc, đậu tương, hạt hướng dương), gia vị (ớt, hạt tiêu đen, rau mùi, nghệ, gừng) và các loại quả hoặc hạt khác như hạt dẻ, dừa… Khi nhiễm độc tố nấm mốc, thủy sản có các triệu chứng khác nhau, phụ thuộc vào loại và nồng độ của độc tố cũng như tuổi hoặc tình trạng sức khỏe của đối tượng. Điển hình như khi bị nhiễm Aflatoxin, cơ quan nội tạng của vật nuôi sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là thận và gan (suy giảm chức năng gan, gan sưng to và tạo ra các khối u trong gan thận, sau đó hoại tử các tế bào biểu mô hình ống). Ngoài ra, thủy sản còn biểu hiện tăng trưởng chậm và tình trạng sức khỏe suy yếu, thần kinh bị ảnh hưởng (FB1), thận nhiễm độc (Ochratoxin), viêm da (Trichothecenes) hoặc ức chế khả năng miễn dịch. Vì vậy, có thể thấy, độc tố trong thức ăn đã có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng, hiệu suất sử dụng thức ăn và làm cho động vật thủy sản dễ bị nhiễm bệnh hơn.

Hỏi: Giải pháp loại bỏ độc tố nấm mốc trong thủy sản?

(Bùi Đình Hân, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình)

Trả lời:

Độc tố nấm trong thức ăn nuôi trồng thủy sản là rất khó phát hiện. Do đó, để hạn chế thiệt hại, cần lựa chọn nguyên liệu thô cẩn thận, duy trì điều kiện bảo quản thức ăn và nguyên liệu tốt. Thực hiện quá trình thu hoạch sản phẩm nhanh, gọn, tránh mưa, phơi phóng nhanh. Khống chế nhiệt độ và độ ẩm thích hợp khi dự trữ. Cần sấy khô nguyên liệu trước khi đưa vào kho dự trữ. Cùng đó, kiểm soát để tránh côn trùng, sâu mọt trong kho. Bởi sự trao đổi chất của côn trùng làm tăng độ ẩm, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển (Côn trùng di chuyển làm nấm mốc phát tán trong nguyên liệu, có thể giảm nguy cơ nấm mốc lên tới 10 – 30%).

Ngoài ra, việc dùng các phương pháp chiếu xạ như chiếu tia X, tia gamma, tia UV, tia hồng ngoại, ánh sáng mặt trời được nghiên cứu rộng rãi nhằm làm giảm độc tố Aflatoxin. Cụ thể, ánh sáng mặt trời có tác dụng tốt để loại bỏ Aflatoxin, nếu sử dụng ánh sáng mặt trời với cường độ trên 50.000 lux có thể sẽ phá vỡ hoàn toàn cấu trúc Aflatoxin. Sử dụng một số chất có khả năng hấp thụ hoặc liên kết được với độc tố nấm mốc trong đường tiêu hóa của thủy sản từ đó làm giảm sự hấp thu qua niêm mạc ruột.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!