Xử lý khi tôm nhiễm bệnh đốm đen

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Tôm nhiễm bệnh đốm đen thì cần xử lý như thế nào?

(Thái Văn Hoàng, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) 

Trả lời: 

Bệnh đốm đen do các loài vi khuẩn có hại trong ao nuôi gây ra. Những loài vi khuẩn này có khả năng tiết ra các chất có khả năng ăn mòn lớp vỏ chitin của tôm. Chúng thường phát triển mạnh ở các ao có tình trạng giàu dinh dưỡng (ô nhiễm) và tích tụ nhiều loại khí độc như NH3, NO2 và H2S, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thường thấp. 

Ngoài vi khuẩn, nhiều nhóm sinh vật khác như động vật nguyên sinh, nấm cũng có thể xâm nhập và gây tổn thương vỏ tôm. Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bị bệnh, cách điều trị tôm bị đốm đen như sau: 

– Nâng pH trong ao lên trên 8 và dưới 9; 

– Tăng cường quạt khí; Giảm 10 – 30% lượng thức ăn cho tôm ăn; 

– Diệt khuẩn ao nuôi bằng các sản phẩm phù hợp như: Virkon A, BKC, Iodine…; 

– Sử dụng lại 2 – 3 lần tùy theo diễn biến bệnh của tôm. 

– Sau 36 – 48 giờ diệt khuẩn, tiến hành cấy vi sinh bằng các chế phẩm sinh học có chứa: Bacillus spp, Lactobacillus spp, Nitrosomonas spp, Nitrobacter spp, hoặc trong thành phần có chứa các enzyme (men vi sinh) như: Protease, Lipase, Amylase; 

– Bổ sung Vitamin C, khoáng chất, vitamin tổng hợp và hoạt chất tăng cường hệ miễn dịch cho tôm. 

Để phòng bệnh, cần làm tốt các biện pháp như cải tạo ao, khử trùng ao đúng kỹ thuật. Nguồn nước lấy vào ao phải đảm bảo yêu cầu về các thông số: pH, độ mặn, hàm lượng kim loại nặng… Chọn tôm giống chất lượng tốt, không bị bệnh nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, virus. Thả nuôi với mật độ vừa phải. Luôn đảm bảo mực nước trong ao (1,2 – 1,5 m); hệ thống cung cấp ôxy cho ao luôn hoạt động tốt. Quản lý tốt thức ăn, bổ sung canxi, khoáng giúp tôm lột vỏ và tăng cường sức khỏe cho tôm. 

Ban biên tập

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!