(TSVN) – Hỏi: TTCT bị bệnh phân trắng thì xử lý như thế nào?
(Nguyễn Trọng Khánh, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh)
Trả lời:
Bệnh phân trắng thường xảy ra vào giai đoạn tôm 40 ngày trở đi. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như: vi khuẩn, ký sinh trùng, quản lý thức ăn và môi trường ao nuôi kém. Ngoài ra, tôm ăn phải tảo độc hoặc thức ăn chứa nấm mốc cũng có thể bị bệnh phân trắng.
Triệu chứng: Tôm giảm ăn, màu sắc chuyển sang màu sẫm hơn; Gan tụy chuyển màu lợt, mềm nhũn; ruột và phân chuyển sang màu vàng hoặc trắng; Tôm mềm vỏ; Mang chuyển sang màu tối; Xuất hiện các sợi phân trắng hoặc vàng nâu tại nhá hoặc nổi trên mặt ao và dồn vào góc ao hoặc cuối hướng gió.
Để điều trị bệnh, cần ngừng cho ăn hoàn toàn trong vòng 1 – 2 ngày. Chạy quạt tăng cường ôxy nhiều nhất có thể. Thay nước sạch đã xử lý 30 – 50% (Chú ý thay chậm để không làm tôm sốc). Tìm các giải pháp phù hợp để làm giảm nồng độ các chất hữu cơ trong ao (nếu ao thường xuyên xi phông thì dùng chất lắng tụ rồi xi phông sạch ra ngoài. Trường hợp ao không được xi phông trước đó thì chỉ dùng vi sinh, không được làm xáo trộn đáy ao khiến khí H2S khuếch tán vào nước gây chết tôm). Sử dụng vi sinh với liều cao gấp 3 lần so với liều bình thường xử lý nước và đáy ao. Trộn xen kẽ các nhóm vi sinh tiêu hóa và tỏi (10g/kg) vào thức ăn để cho tôm ăn (không trộn tỏi cùng vi sinh vì tỏi có thể làm bất hoạt vi sinh). Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên trong vòng 5 ngày liên tục. Đối với người nuôi tôm, đặc biệt nuôi tôm công nghiệp thì phải xác định đúng bệnh phân trắng, phát hiện sớm để kịp thời điều trị. Không nên hoảng sợ và thu hoạch sớm làm giảm năng suất tôm nuôi.
Ban KHKT