(Thủy sản Việt Nam) – Hỏi: Trong nuôi trồng thủy sản, việc xử phạt vi phạm hành chính được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 15, Mục 3, Nghị định 31/2010/NĐ-CPngày 29/3/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản, việc xử lý vi phạm hành chính về nuôi trồng thủy sản được quy định như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000-3.000.000 đồng đối với cơ sở nuôi trồng thuỷ sản có một trong các hành vi:
a) Không đảm bảo điều kiện nuôi trồng thuỷ sản theo quy định của pháp luật;
b) Sử dụng các loại thức ăn nuôi thuỷ sản có chứa chất thuộc danh mục hạn chế sử dụng mà không theo quy định của Bộ NN&PTNT;
c) Sử dụng các loại thức ăn nuôi thuỷ sản đã quá hạn sử dụng;
d) Không thực hiện quy định của Bộ NN&PTNT về kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi.
2. Phạt tiền từ 3.000.000-5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Sử dụng các loại thức ăn nuôi thuỷ sản không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc có chứa chất bị cấm sử dụng theo quy định của Bộ NN&PTNT;
b) Nuôi trồng giống, các loài thuỷ sản đang trong giai đoạn khảo nghiệm mà không theo quy định của Bộ NN&PTNT.
3. Phạt tiền từ 10.000.000-20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thuỷ sản không theo quy hoạch hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trừ cơ sở quy mô nhỏ theo quy định của Bộ NN&PTNT;
b) Nuôi trồng giống, các loài thuỷ sản thuộc danh mục cấm nuôi trồng hoặc không có tên trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam do Bộ NN&PTNT quy định.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi: Sử dụng các loại thức ăn nuôi thuỷ sản đã quá hạn sử dụng; Sử dụng các loại thức ăn nuôi thuỷ sản không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc có chứa chất bị cấm sử dụng theo quy định của Bộ NN&PTNT; Nuôi trồng giống, các loài thuỷ sản thuộc danh mục cấm nuôi trồng hoặc không có tên trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam do BộNN&PTNT quy định.
Ban Pháp Luật – Bạn Đọc