(TSVN) – Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản, mức phạt tối đa lên tới 1 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, hình thức xử phạt áp dụng là phạt tiền. Cùng đó là các hình thức xử phạt bổ sung, bo gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Tàu cá khai thác trên biển không có Giấy phép khai thác thủy sản sẽ bị phạt hành chính. Ảnh minh họa.
Cùng đó, ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, ba, d, đ, e và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này còn quy định các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng trong lĩnh vực thủy sản.
Vi phạm hành chính nhiều lần hoặc tái phạm trong lĩnh vực thủy sản là tình tiết tăng nặng trong xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp được quy định là hành vi vi phạm hành chính trong Nghị định này.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện trong lĩnh vực thủy sản là 1 tỷ đồng. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là 2 năm.
Trong đó, phạt tiền từ 5 – 200 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường soosngs của loài thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền là 3 – 50 với các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm; Phạt tiền từ 20 – 200 triệu đồng đối với vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn biển.
Phạt tiền từ 3 – 50 triệu đồng đối với vi phạm quy định về sản xuất, ương dưỡng, khảo nghiệm giống thủy sản. Đồng thời thực hiện một số hình phạt bổ sung và buộc phải khắc phục hậu quả; Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng với hành vi vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu giống thủy sản. Đồng thời buộc thả giống thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng hoặc buộc chuyển đổi mục đích sử dụng, trường hợp không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi thì buộc tiêu hủy giống thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; Buộc tái xuất giống thủy sản, trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy giống thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Phạt tiền từ 2 – 30 triệu đồng đối với vi phạm quy định về điều kiện nuôi trồng thủy sản. Trong đó, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định.
Phạt tiền từ 300 triệu – 1 tỷ đồng đối với vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản. Trong đó, phạt tiền từ 800 triệu – 1 tỷ đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên khai thác thủy sản trên biển không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn; Khai thác thủy sản tại vùng biển quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn; Che giấy, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong trường hợp tái phạm…
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2024 và thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
PV