T2, 06/07/2020 12:06

Xuân sang, tàu về

Chưa có đánh giá về bài viết

Dịp Tết 2015, tàu cá đầu tiên được đóng mới bằng gói tín dụng của Nghị định 67 hạ thủy tại cửa biển Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi. Tết 2016 này, Quảng Ngãi tiếp tục đón nhiều tàu 67 hạ thủy trở về. Kinh nghiệm tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện Nghị định 67 chỉ gói gọn trong phương châm: “Giúp ngư dân có tàu để phát triển kinh tế, bảo vệ biển đảo”.

Hò dô mới ra tàu

“Hò dô, anh em ta dô, anh em ta hò…!”, các nghệ nhân đóng tàu vừa hò vừa ốp những mảnh ván cuối cùng vào thân tàu và khai sinh con tàu, một cuộc sống mới. Nhưng đó là chuyện của những nghệ nhân chân đất ở các làng chài mấy chục năm đóng tàu vỏ gỗ. Còn giờ đây, ngư dân đang háo hức tiếp cận gói tín dụng Nghị định 67, mà trong đó “hò dô” không phải là các nghệ nhân mà là các cơ quan chức năng. Tỉnh Quảng Ngãi có nhiều cán bộ thực sự tâm huyết việc tháo gỡ khó khăn giúp ngư dân.

Trong một cuộc họp định kỳ nghe báo cáo tiến độ thực hiện Nghị định 67, ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thể hiện sự quyết liệt khi nghe báo cáo việc thuyền trưởng Võ Lựu chạy làm hồ sơ mãi vẫn không được vay vốn. Phía Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi đưa ra các ý kiến cho biết, hồ sơ này ẩn chứa nhiều rủi ro. Ông Thọ phát biểu khá gay gắt: “Hồ sơ của Võ Văn Hân đủ điều kiện, là người có kinh nghiệm, có tài sản thế chấp, có vốn đối ứng, đang làm nghề biển. Không giải quyết thì có nghĩa ngân hàng không thực hiện chủ trương của Chính phủ, là sự tùy tiện không chấp hành…”.

tàu tiên tri

Tàu hậu cần nghề cá Tiên Tri trở thành ụ nổi tiếp tế giúp ngư dân bám biển dài ngày – Ảnh: LVC

Đến 11/8, thuyền trưởng Võ Lựu được giải ngân để đóng tàu 16 tỷ đồng. Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi đã tổ chức công bố với báo giới về việc đang đồng hành trên cỗ xe 67 bằng phát ngôn “Chúng tôi ủng hộ những chiến sĩ bám biển; ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong việc góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Hồ sơ xét duyệt được thực hiện từ cơ sở, đưa lên tỉnh chốt danh sách, nhưng cửa cuối cùng và khó lọt nhất là ngân hàng. Vì ngân hàng thực hiện theo Luật Tín dụng, luôn tính toán rủi ro phát sinh và thẩm định năng lực sản xuất, trả nợ của chủ tàu. 

Nhưng ngư dân chỉ làm giỏi, nói thì kém, không biết cách lập phương án mang tính thuyết phục. Vậy nên ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi là người thường bảo vệ ngư dân như luật sư bảo vệ thân chủ. Trong các cuộc họp, to tiếng nhất vẫn là ông Sơn. Có những lúc trên bục, ông Sơn như người cãi nhau và mạnh mẽ “tố” các ngân hàng còn chưa vận dụng linh hoạt để ngư dân được sớm đóng tàu.

 

Vì tình… hóa hanh thông

Triển khai Nghị định 67, tỉnh Quảng Ngãi được Chính phủ dành nhiều ưu đãi. Ngư dân sẽ đóng mới 189 tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, với tổng vốn đầu tư trên 1.600 tỷ đồng. Số vốn này dự tính đóng mới 72 tàu vỏ gỗ và 117 tàu vỏ thép (gồm cả tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá).

Trong quá trình thực hiện Nghị định 67, nhiều ngư dân vẫn còn e ngại với suy nghĩ “con tàu này bự quá, nhiều tiền quá, trả nợ sao hết; máy tàu quen xài thứ cũ vài trăm triệu, chơi máy cả tỷ thì trả gì nổi…”. Nhưng vào thời điểm đó, Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện “liệu pháp sốc”, hạ thủy hai tàu đánh cá làm nghề lưới vây và mành chụp được đóng từ nguồn tiền ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước.

Toàn bộ thiết bị trên hai tàu này đều hiện đại, động cơ nhập khẩu nguyên thùng. Kết quả đánh bắt của hai tàu này quá ấn tượng nên các ngư dân đang làm hồ sơ 67 dõi theo từng ngày. 

Tàu vỏ thép của ông Nguyễn Hữu Ngọt và Huỳnh Luận cứ ra khơi, trở về là trúng đậm. Tàu thép nên đánh bắt theo phương pháp hiện đại. Ngư dân so sánh, cùng một chuyến biển, nhưng máy mới lợi hơn hàng ngàn lít dầu giúp cho ngư dân đi bạn có thêm phần chia lợi tức. Bên cạnh đó là phiên biển được rút ngắn, bình quân phiên nào hai tàu này cũng đánh bắt được vài chục tấn cá, trong khi các tàu gỗ đánh bắt cùng tọa độ chỉ được vài tấn và phải nán lại dài ngày trên biển để kiếm đủ tổn… Những tin vui đó làm cho ngư dân càng hào hứng với tàu 67 và quên béng chuyện “tàu bự, sợ ôm nợ nhà nước”.

Khi ngày xuân cận kề, tàu 67 bắt đầu hạ thủy và về Quảng Ngãi. Tàu Tiên Tri 07, số hiệu QNg 96707 TS, chủ tàu là doanh nghiệp Nhiên Phường ở huyện đảo Lý Sơn được hạ thủy đầu tiên. Tàu được trang thiết bị hiện đại, chiều dài 26 mét, rộng 6,5 mét, có thể vận chuyển 30 tấn hải sản, 1.000 m3 dầu, 5.000 m3 nước ngọt, lương thực, thực phẩm cung cấp cho tàu đánh bắt xa bờ.

Tinh thần “giúp ngư dân có tàu để phát triển kinh tế và bảo vệ biển đảo”, nhiều thành viên Ban thường trực thực hiện Nghị định 67 ở Quảng Ngãi đã giúp ngư dân vượt qua không ít rào cản và tiếp cận được gói tín dụng. Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi nhiệt tình đôn đốc thực hiện. Ông Nguyễn Khê, đại diện Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Ngãi thường say sưa phát biểu rất dài về viễn cảnh có tàu vỏ thép cho ngư dân đi biển… Những ý kiến đó giúp việc thực hiện Nghị định 67 từ “tắc” hóa “hanh thông”.

>> Sang năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi có 35 tàu được đóng mới theo Nghị định 67; trong đó 19 tàu vỏ thép, 22 tàu vỏ gỗ, 4 tàu bằng vật liệu composite. Các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với 18 chủ tàu, cho vay hơn 161 tỷ đồng và đã giải ngân cho 15 chủ tàu trên 72 tỷ đồng.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!