(TSVN) – Tháng 9 gặp bão lụt lớn nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn giữ được đà tăng trưởng để kim ngạch 9 tháng đầu năm 2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, rõ thêm tín hiệu tốt từ sản phẩm chế biến.
Xuất khẩu tôm thẻ tháng 9 tăng so với cùng kỳ năm trước
Số liệu của Bộ NN&PTNT, sản lượng thủy sản tháng 9 ước đạt 890.500 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính cả 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng thuỷ sản đạt 7.019.100 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khai thác 2.974.300 tấn, tăng 0,7% (riêng khai thác biển 2.827.000 tấn, cũng tăng 0,7%); Nuôi trồng 4.044.000 tấn, tăng 3,7% (cá tra 1.259.5000 tấn, tăng 4,6%; tôm 976.000 tấn, tăng 4,5%). Sản lượng nuôi trồng đã gấp 1,35 lần khai thác, chuyển biến phù hợp với định hướng tăng nuôi trồng và giảm khai thác.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tôm tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với hơn 2,79 tỷ USD, tăng 10,5%; gồm tôm thẻ chân trắng gần 2 tỷ USD, tôm sú 334 triệu USD, còn lại là tôm khác. Cá tra hơn 1,46 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tôm đông lạnh xuất khẩu chưa phục hồi giá rõ rệt, vẫn chịu áp lực cạnh tranh của Ecuador và Ấn Độ. Còn tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế ở các thị trường.
Phân tích của VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9 tiếp tục đà tăng trưởng khi đạt hơn 866 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Cả quý III, kim ngạch xuất khẩu gần 2,77 tỷ USD, tăng 12,8%.
Hai sản phẩm chủ lực giữ được đà tăng trưởng cao. Xuất khẩu tôm tháng 9 hơn 372 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ và cả quý III đạt 1,15 tỷ USD, tăng 17,5%. Còn cá tra xuất khẩu trong tháng 9 hơn 169 triệu USD, tăng 1,7% và cả quý III gần 544 triệu USD, tăng 13,5%.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, kim ngạch duy trì tăng trưởng khá trong quý III là tín hiệu tích cực cho ngành thủy sản, tạo đà tăng tốc những tháng còn lại của năm 2024. Nhu cầu của các thị trường đang hồi phục, giá xuất khẩu đang và sẽ tiếp tục tăng là động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm.
Kim ngạch duy trì tăng trưởng khá trong quý III là tín hiệu tích cực cho ngành thủy sản
Ngoài tôm và cá tra, trong quý III, nhiều mặt hàng thủy sản khác cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng vượt trội so với cùng kỳ. Nhiễm thể có vỏ hơn 63 triệu USD, tăng 94,7%; cua ghẹ gần 102 triệu USD, tăng 56,4%; mực và bạch tuộc gần 176 triệu USD, tăng 5,3%; cá ngừ gần 244 triệu USD, tăng 3,8%; cá khác 481 triệu USD, tăng 1,5%. Đặc biệt, sản phẩm mới là nhuyễn thể khác đạt gần 5 triệu USD, tăng đến 378%.
Tính cả 9 tháng đầu năm 2024, đa số mặt hàng thủy sản khác duy trì được đà tăng trưởng so với cùng kỳ. Cua ghẹ gần 227 triệu USD, tăng 66,1%; nhiễm thể có vỏ 145 triệu USD, tăng 47,4%; cá ngừ gần 715 triệu USD, tăng 16%. Đặc biệt, sản phẩm mới là nhuyễn thể khác hơn 9 triệu USD, tăng 134,6%.
Tuy nhiên, có 2 mặt hàng xuất khẩu trong 9 tháng giảm so với cùng kỳ. Đó là cá khác đạt hơn 1,3 tỷ USD, giảm 3,2%; mực và bạch tuộc hơn 464 triệu USD, giảm 2,7%.
Có một tín hiệu tốt từ sản phẩm chế biến xuất khẩu là tăng trưởng cao hơn sản phẩm đông lạnh. Như mực và bạch tuộc xuất khẩu trong 9 tháng giảm 2,7% nhưng riêng sản phẩm mực chế biến lại tăng 13% so với cùng kỳ.
Với sản phẩm tôm đang chịu áp lực cạnh tranh về giá của Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế, trong tháng 9 kim ngạch xuất khẩu tăng gần 10%, trong lúc sản phẩm đông lạnh chỉ tăng 4,5%. Cá tra trong 9 tháng, sản phẩm chế biến tăng đột phá với 42%, cá tra nguyên con đông lạnh tăng 24%, cá tra phile/cắt khúc đông lạnh chỉ tăng 4%.
Sáu Nghệ