Chín tháng đầu năm 2017, tổng giá trị XK cá ngừ đạt 429,7 triệu USD, tăng 21,2%. Tại hầu hết các thị trường NK chính giá trị XK tăng trưởng tốt, trong đó nổi bật là 3 thị trường lớn: Mỹ, EU và Israel.
Tổng giá trị XK cá ngừ 9 tháng đầu năm đạt 429,7 triệu USD
Mỹ
9 tháng đầu năm 2017, giá trị XK sang thị trường Mỹ đạt 168,7 triệu USD, chiếm 39,3%, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ tiếp tục là thị trường XK hàng đầu của các DN cá ngừ Việt Nam.
Hiện nay, sản phẩm cá ngừ vằn chế biến và cá ngừ đóng hộp (mã HS160414) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu cá ngừ NK của Mỹ. Theo thống kê mới nhất của của Globefish, giá NK trung bình sản phẩm cá ngừ chế biến, đóng hộp của Mỹ cao hơn so với 2 năm trước, từ 4,5 – 5 USD/kg. Trong đó, giá nhập từ Thái Lan, Việt Nam và Philippines đang tương đương nhau và gần với mức NK bình quân tại Mỹ; còn giá NK từ Fiji và Ecuador ở mức cao nhất từ 5,5 – 5,8 USD/kg.
7 tháng đầu năm 2017, khối lượng NK sản phẩm cá ngừ chế biến, đóng hộp của Mỹ đạt từ 12.000 – 18.000 tấn.
Sau cá ngừ chế biến là nhóm sản phẩm cá ngừ vằn hoặc cá ngừ sọc dưa (HS030487); cá ngừ vây vàng (HS030232) và cá ngừ mắt to tươi hoặc ướp lạnh (030234).
EU
9 tháng đầu năm 2017, sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh tiếp tục là sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam XK sang thị trường EU chiếm hơn 40% tổng giá trị XK sang thị trường này. Tiếp đến là cá ngừ đóng hộp chiếm 32%. Đức, Italy và Hà Lan là 3 thị trường NK cá ngừ nhiều nhất trong khối EU trong thời gian này. Nhìn chung so với cùng kỳ năm trước, XK cá ngừ của hầu hết các nước trong khối EU đều tăng. Cụ thể, trong đó, giá trị XK cá ngừ sang Đức tăng 38,3% và Hà Lan tăng 67,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê mới nhất của ITC, nửa đầu năm 2017, EU NK nhiều nhất sản phẩm cá ngừ vằn chế biến và cá ngừ đóng hộp (mã HS160414); tiếp đó là cá ngừ vây vàng đông lạnh (HS 030342) và phile cá ngừ đông lạnh (HS 030487). Tây Ban Nha, Ecuador; Seychelles; Mauritius; Philippines là những nguồn cung sản phẩm cá ngừ lớn nhất cho EU.
Israel
Với mức tăng trưởng XK ấn tượng tăng 109,3% so với cùng kỳ năm trước và giá trị đạt 34,9 triệu USD trong 9 tháng đầu năm nay, Israel thay thế ASEAN để trở thành thị trường XK cá ngừ lớn thứ 3 của Việt Nam. Đây là thị trường tiềm năng nhất trong khối thị trường Trung Đông tại thời điểm này.
Cho đến nay, Thái Lan, Việt Nam và Philippines đang là 3 thị trường nguồn cung lớn nhất cá ngừ cho Israel. Trong đó, Israel đang NK rất nhiều cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam, trong khi năm ngoái cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô lại chiếm ưu thế. Hiện Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2 cho Israel, sau Thái Lan. Trong khi đó, tại phân khúc thị trường cá ngừ đông lạnh của Israel, Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường Israel và gần như không có đối thủ cạnh tranh.
Các thị trường khác
9 tháng đầu năm nay, giá trị XK cá ngừ sang ASEAN và Trung Quốc chưa được như ý và sụt giảm. Trong đó, giá trị XK sang ASEAN giảm 9,3% và sang Trung Quốc giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, XK sang Nhật Bản, Mexico và Canada tiếp tục tăng trưởng khả quan. Giá trị XK sang ba thị trường này tăng lần lượt 23%; 69,6% và 32% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 23/10/2017, Liên minh châu Âu (EU) đã “rút thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc IUU. Đây đang là nỗi lo lắng và quan ngại của cả Nhà nước và DN XK hải sản Việt Nam. Điều này làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản nước đó.
Hơn nữa, các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho nước bị EU giơ thẻ vàng, ví dụ như Mỹ nước đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản NK nhằm chống lại nạn khai thác IUU từ 1/1/2018. Điều này có thể có thể khiến giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và DN hải sản Việt Nam trong việc đảm bảo tuân thủ quy định IUU, hoạt động XK sang thị trường này sẽ sớm ổn định trở lại.