(TSVN) – Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng trưởng cao trong tháng 4, tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam ngày càng chậm lại. Tính cả 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 420 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2020.
Mỹ là thị trường xuất khẩu chính cá ngừ của Việt Nam, trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 28,6 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn so với tháng 6. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đạt 153 triệu USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2020. Số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, tính trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ. Mặt hàng fillet cá ngừ đông lạnh của Việt Nam tại Mỹ có giá cạnh tranh tốt và tương đối ổn định so với các nước Philippines, Indonesia, Thái Lan. Giá xuất khẩu trung bình của sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam có xu hướng tăng cao hơn so với các đối thủ như Thái Lan, Ecuador, Mauritius khiến Ecuador đang giành bớt thị phần của Việt Nam tại Mỹ.
Ảnh minh họa
Hiện tại, giá cước vận chuyển từ châu Á tới Nam Mỹ tăng cao, dao động từ 2.500 – 12.000 USD/container, đã hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực thị trường này, các lô hàng xuất khẩu sang đây bị chậm lại. Do đó, mặc dù xuất khẩu cá ngừ của Việt nam sang thị trường này vẫn tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.
Tại khối thị trường EU, trong tháng 7/2021, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này giảm 21% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt gần 87 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng so cùng kỳ năm trước nhưng từ tháng 5 trở lại đây lại có xu hướng giảm dần qua từng tháng. Tại thị trường này, giá cước vận chuyển tăng cao là nguyên nhân khiến cho các lô hàng xuất khẩu sang EU giảm. Thêm vào đó, việc hạn ngạch ưu đãi thuế quan đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến theo thoả thuận trong EVFTA đã được áp dụng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu sang khối thị trường này bị chậm lại. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường CPTPP tiếp tục tăng so với cùng kỳ, tăng 6,5% đạt 7,4 triệu USD.
Tuy nhiên, VASEP dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sẽ chậm lại trong những tháng tới. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, chi phí vận chuyển tăng đang khiến cho rất nhiều đơn hàng bị dồn ứ lại không xuất khẩu được.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương thì sản xuất của các doanh nghiệp cá ngừ bị ảnh hưởng do công nhân và người lao động tại các nhà máy chưa được tiêm vaccine. Do vậy, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp cá ngừ thời điểm này chính là sớm được ưu tiên tiếp cận nguồn vaccine bởi đặc thù ngành thủy sản làm việc chủ yếu trong môi trường lạnh thì mối nguy lây nhiễm càng lớn.