Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng tích cực

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá ngừ tháng 6/2022 đạt trên 91 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đã tăng 56%, đây là mức tăng trưởng rất tích cực.

Cụ thể, xuất khẩu cá ngừ tháng 6/2022 đạt trên 91 triệu USD, tăng 43% so với tháng 6 năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng, xuất khẩu cá ngừ tăng 56%, đạt 553 triệu USD, chiếm gần 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Sản phẩm chủ lực vẫn là cá ngừ loin, cá ngừ cắt khúc đông lạnh, mang về 377 triệu USD, tăng 122%.

Mỹ là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hơn 251 triệu USD, tăng 102% so với cùng kỳ năm trước. Tại thị trường này, sản phẩm loin/thịt cá ngừ đông lạnh của Việt Nam đang giành phần lớn.

Chế biến cá ngừ xuất khẩu. Ảnh: ST

Tại thị trường EU, sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh từ Việt Nam được ưa chuộng hơn. Phần lớn sản phẩm nhập khẩu được đưa đến chuỗi nhà hàng Nhật Bản, nhà hàng châu Á và cửa hàng bán lẻ, trường học… Nửa đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang EU tăng 9%. Đây là mức tăng trưởng khiêm tốn so với các thị trường khác và chủ yếu tăng nhờ giá bán tăng.

Tại khối khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Canada là thị trường lớn nhất, chiếm gần 5% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ. Việt Nam cũng là nguồn cung cá ngừ lớn thứ hai cho Canada, chiếm 12% tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ của nước này (năm 2021). Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản, Mexico, Chilê, Đức… cũng tăng trưởng tích cực.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, xuất khẩu cá ngừ trong nửa đầu năm tăng trưởng rất tích cực. Sự tăng trưởng này nhờ vào hoạt động thương mại, kinh doanh của thị trường toàn cầu đã trở lại sau thời gian dịch COVID-19 kéo dài. Bên cạnh đó, chiến sự Nga – Ukraine đã đẩy thế giới vào nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực. Giá thực phẩm đã tăng 20 – 40% so với đầu năm, giá thịt gà tại Mỹ đạt mức kỷ lục và tăng gấp 3 lần so với trước. Trước tình hình đó, nhiều nhà nhập khẩu đang suy nghĩ tới việc thay thế bằng sản phẩm protein từ cá ngừ.

Tuy nhiên, VASEP cũng cho biết, xuất khẩu cá ngừ đối diện không ít khó khăn, nhất là khi thị trường lớn nhất là Mỹ đang xem xét áp dụng giảm thuế cho cá ngừ Trung Quốc. Hơn nữa, hơn 80% nguyên liệu cá ngừ doanh nghiệp phải nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam nên các doanh nghiệp không thể tận dụng được các lợi thế từ FTA.

Bình An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!