T2, 06/07/2020 09:56

Xuất khẩu cá tra 2011: Lội dòng nước ngược

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Những tháng đầu năm 2011, do thiếu nguyên liệu, xuất khẩu cá tra được dự báo chỉ đạt 1 tỷ USD cả năm, nhưng đến giữa năm, con số này đã đạt 700 triệu USD và đến hết tháng 10 đã bùng lên ấn tượng với 1,49 tỷ USD. Điều này khiến các nhà chuyên môn dự báo xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ đem về giá trị vượt bậc so với nhận định ban đầu.

Trầm lắng

Tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu quý I/2011 do VASEP tổ chức ngày 25/4/2011 ở TP.HCM, nhận định về tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra chế biến xuất khẩu sẽ diễn ra nghiêm trọng từ nay đến cuối năm đã được nêu ra và trở thành bài toán khó giải của các doanh nghiệp trong suốt năm 2011. Theo báo cáo, xuất khẩu cá tra trong tháng 3 đạt 60.739 tấn, trị giá 153,502 triệu USD, góp phần đưa xuất khẩu cá tra 3 tháng đầu năm đạt 376,43 triệu USD, với số lượng lên đến 153.062 tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu tăng 21,6%, về lượng chỉ tăng 5,2%. Giá cá tra thành phẩm xuất khẩu từ đầu năm đến thời điểm này tăng khá cao (tháng 1 và tháng 2 có giá 2,55 USD/kg, đến tháng 3 tăng lên 2,62 USD/kg và hiện nay đã tăng hơn 3 USD/kg). VASEP đánh giá, các số liệu này cho thấy xuất khẩu 3 tháng đầu năm khá khả quan nhưng không phản ánh được tình hình xuất khẩu cho cả năm 2011. Bởi xuất khẩu đầu năm tăng chủ yếu là nhờ vào nguồn hàng tồn của các doanh nghiệp từ năm 2010, còn nguồn nguyên liệu thu mua mới không đáng kể. Nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong nước đã bộc lộ từ năm ngoái cho đến nay và hiện vẫn chưa có cách nào khắc phục. Theo khảo sát từ VASEP, sản lượng cá tra nguyên liệu năm 2011 chỉ đáp ứng được khoảng 500.000 tấn, giảm hơn 300.000 tấn so với năm trước.

Trong khi đó, tại các địa phương, do chi phí nuôi cá tra tăng quá cao nên người nuôi vẫn chưa yên tâm đầu tư. Trong 3 tháng đầu năm, thức ăn đã 5 lần tăng giá, tổng mức tăng đến 1.700 đồng/kg (giá thức ăn hiện nay lên đến 11.200 đồng/kg). Giá con giống loại 2 cm tăng mạnh, lên 2.200 đồng/con (tăng 1.600 đồng). Giá thành nuôi cá tra từ 25.000 đồng – 25.500 đồng/kg, người nuôi không có lãi nhiều.

Đến tháng 6, tình hình có cải thiện khi giá nguyên liệu tăng lên. Với giá cá tra nguyên liệu lên đến 28.500 đồng – 29.000 đồng/kg cộng chi phí chế biến tăng cao do các yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, lãi suất, lương công nhân đều tăng nên giá thành chế biến 1 kg cá tra thành phẩm lên đến 3,4 USD/kg. Do đó, VASEP phải đưa ra mức giá sàn xuất khẩu cá tra hơn 3,4 USD/kg.

Cuối năm 2011, xuất khẩu cá tra hứa hẹn đem về giá trị vượt bậc so với nhận định ban đầu           Ảnh: Thanh Ngân

Tính từ đầu năm đến giữa tháng 6/2011, Việt Nam đã xuất 90.74 nghìn tấn cá tra (giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2010), trị giá 242.737 triệu USD, chiếm 32,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, cá tra Việt Nam lại gặp khó khăn lớn ở thị trường EU do ở Anh đã phát hiện hàm lượng nước trong sản phẩm cao hơn so với tự nhiên, và tại Canada đã phát hiện dư lượng kháng sinh trong các sản phẩm. Tuy thị trường Mỹ rất khó tính, đặt ra nhiều tiêu chuẩn đối với mặt hàng cá tra nhập khẩu nhưng sau khi Việt Nam kiện Mỹ về việc áp dụng thuế chống bán phá giá thì đến cuối quý I và đầu quý II năm 2011, Mỹ đã giảm mức thuế CBPG xuống còn 0 – 0,2%. Điều đó dẫn đến giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ từ đầu năm đến 15/6/2011 đạt 118.686 triệu USD, chiếm 15,9%. Bên cạnh đó, Mexico được đánh giá là thị trường nhập khẩu lớn, ổn định và tiềm năng của cá tra, basa Việt Nam. Đây là thị trường tiêu thụ cá tra, basa lớn nhất khu vực Trung và Nam Mỹ. Tính đến giữa tháng 6/2011, giá trị nhập khẩu cá tra, basa Việt Nam của Mexico lớn thứ 2 (đạt 46,59 triệu USD), chỉ sau Mỹ.

Để ổn định tình hình nguyên liệu và giá xuất khẩu từ tháng 7 đến cuối năm 2011, Ủy ban Cá nước ngọt VASEP thống nhất giá sàn cho các thị trường (trừ thị trường Mỹ) là 3,3 USD/kg đối với cá thịt trắng và 2,3 USD/kg đối với cá thịt đỏ. Giá mua cá tra nguyên liệu 26.000 đồng/kg đối với cá trọng lượng 850 gram có chất lượng cá xuất khẩu và trong tháng 7 sẽ thu mua hết lượng cá quá cỡ tồn trong dân để tạm trữ với mức giá 24.000 đồng/kg.

 

Bùng nổ

Bước sang tháng 10/2011, dù sản lượng cá tra nguyên liệu ở các vùng nuôi trọng điểm của ĐBSCL tính đến thời điểm này đều bằng hoặc vượt so với cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng, do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao nên nguồn nguyên liệu phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn thiếu hụt. Theo số liệu của VASEP, khu vực ĐBSCL có trên 120 nhà máy chế biến cá tra. Nhu cầu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu ba tháng cuối năm nay khoảng 5.000 tấn/ngày nhưng từ tháng 10 trở đi khả năng cung cấp chỉ dừng lại ở con số dưới 4.000 tấn/ngày. Không chỉ doanh nghiệp chưa có vùng nuôi riêng, mà ngay cả những đơn vị trước đây từng công bố chủ động 80 – 90% nguyên liệu nay cũng đang lâm vào cảnh đói nguyên liệu. Điển hình như Công ty CP Thủy sản Hùng Vương, lãnh đạo Công ty cho biết, ba tháng cuối năm nay, Công ty bị mất cân đối 15.000 tấn nguyên liệu.

Đối nghịch và cũng là nguyên nhân của tình trạng thiếu nguyên liệu xuất khẩu là sự bùng lên về nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới. Các doanh nghiệp tích cực chuẩn bị hàng cho các dịp lễ cuối năm làm cho thị trường có sự hồi phục nhanh chóng. Các nhà chuyên môn nhận định, xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm tiếp tục thuận lợi về thị trường lẫn giá cả, phù hợp với tình hình  kinh tế của những thị trường lớn như Mỹ và EU, đặc biệt là đối với mặt hàng cá tra.

Đến cuối tháng 10, chỉ tính riêng thị trường Mỹ, Việt Nam đã trở thành nguồn cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Mỹ về lượng và thứ 5 về trị giá, tăng hai bậc so với cùng kỳ năm trước. EU vẫn là thị trường trọng điểm nhập khẩu cá tra của Việt Nam, chiếm 30% thị phần, dù mức tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường này vẫn chưa như mong đợi. Đến cuối tháng 9, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 397 triệu USD. Nguyên nhân chính khiến thị trường này có mức tăng trưởng thấp là do Tây Ban Nha – nước nhập khẩu cá tra nhiều nhất trong khối liên tục sụt giảm về khối lượng và giá trị. Tuy nhiên, điều đáng mừng là trong hai tháng gần cuối năm, nhập khẩu cá tra của Tây Ban Nha lại có dấu hiệu khôi phục. Cùng với đó, thị trường Nga trong năm 2011 đã luôn tăng trưởng.

Trong quý 4/2011, tình hình xuất khẩu rất khả quan nên VASEP dự báo, xuất khẩu cá tra năm nay sẽ vượt mức 1,5 tỷ USD. Mặc dù châu Âu đang gặp khó khăn về kinh tế, nhưng sản lượng nhập khẩu cá tra Việt Nam không bị ảnh hưởng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước đạt 1,49 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Những tín hiệu lạc quan

Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, nhu cầu tiêu thụ cá tra tại nhiều nước đang có xu hướng gia tăng và ở mức cao trong những năm tới, vì thế doanh nghiệp Việt Nam chỉ sợ không có cá tra để bán chứ không lo thiếu thị trường tiêu thụ.

Trong năm tới, ngành sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng cao (cả về lượng lẫn giá trị) khi nhu cầu tiêu thụ cá tra ngày càng được ưa chuộng ở những thị trường nhập khẩu cá tra chính của Việt Nam như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trước những tín hiệu lạc quan về thị trường, có thể thấy, đến năm 2012, tình hình thiếu hụt cá tra nguyên liệu sẽ còn tiếp diễn. Thực tế, giá cá tra nguyên khu vực ĐBSCL từ cuối tháng 9/2011 đã liên tục tăng cao, từ 24.000 – 25.000 đồng/kg lên mức giá 28.000 – 28.500 đồng/kg.

Theo nhận định của VASEP, xuất khẩu cá tra sang các thị trường trên thế giới vẫn có xu hướng tăng trưởng hai con số, cho dù một số thị trường chính nhập khẩu cá tra của Việt Nam còn gặp nhiều trắc trở. Mặc dù có nhiều tín hiệu không tốt về nền kinh tế của thị trường trọng điểm nhập khẩu cá tra, nhưng với đà tăng trưởng mạnh của các thị trường còn lại như Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông, Brazil… cá tra vẫn sẽ là mặt hàng đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng của thị phần thủy sản Việt Nam trên thế giới nói chung.

>>  Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước đạt 1,49 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phương Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!