Tháng 8/2017, giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc cao gấp hơn 2 lần sang thị trường Mỹ. Với giá trị XK này, Trung Quốc – Hong Kong lại vươn lên trở thành thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay với giá trị đạt 247,4 triệu USD, chiếm 21,3% tổng giá trị, tăng 43,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tám tháng đầu năm 2017, giá trị XK cá tra sang một số thị trường lớn tiềm năng như: Brazil tăng 63,9%; Mexico tăng 26,4%; Colombia tăng 2,5% và Ảrập Xêút tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trái ngược, giá trị XK sang Mỹ giảm 6%; sang EU giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Như vậy, cho tới nay, XK cá tra sang thị trường EU vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Giá trị XK sang 4 thị trường đơn lẻ là: Hà Lan giảm 3,6%; Anh giảm 4,9%; Đức giảm 19,8% và Bỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khả năng lớn từ nay tới cuối năm, XK cá tra sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục giảm. Cho đến nay, chương trình thanh tra cá da trơn và thuế chống bán phá giá với sản phẩm cá tra phile đông lạnh tại Mỹ là “hàng rào” ngăn cản DN XK cá tra Việt Nam.
Mới đây, ngày 13/9/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có thông báo về quyết định sơ bộ thuế chống bán phá giá (CBPG) của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam giai đoạn từ 01/8/2015 đến 31/7/2016.
Theo đó, trong quyết định sơ bộ của POR13, Bộ thương mại Hoa Kỳ công bố mức thuế 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12. Trải qua 13 kỳ xem xét hành chính trong vụ kiện CBPG thì đây là lần đầu tiên DOC đã có những điều chỉnh hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý và bỏ qua các qui định thông thường từ trước đến nay khi đưa ra quyết định sơ bộ.
Theo các DN cá tra, đây là một quyết định phi lý gây khó khăn đối với hoạt động XK. Sự sụt giảm giá trị tại Mỹ và EU khó có thể bù đắp bằng các thị trường NK khác. Năm 2017, cá tra Việt Nam khó có thể đạt mức tăng trưởng dương.