T2, 06/07/2020 09:56

Xuất khẩu cá tra năm 2011: Về đích sớm vẫn lo

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đến thời điểm hiện nay, có thể nói xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam 2011 đã về đích sớm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải lo trong thời gian sắp tới.

Đầu tư vùng nguyên liệu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước đạt 1,49 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, với con số này, ngành xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam đã cán đích sớm. Dù rất năng động và phát triển nhưng ngành công nghiệp cá tra, basa Việt Nam vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn như việc thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng, người nuôi “treo ao”, nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng, tình trạng giá cả bất ổn…

Để ngành cá tra, basa Việt Nam phát triển bền vững, theo ý kiến của các nhà chuyên môn thì các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải đẩy mạnh đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, còn người dân nuôi nhỏ lẻ, tự phát cần dừng lại bởi tính rủi ro cao và chất lượng cá khó đảm bảo. Nếu muốn tiếp tục thả nuôi, các hộ nhỏ nên liên kết lại hoặc liên kết với doanh nghiệp, nhà máy chế biến để có quy mô nuôi lớn hơn và đảm bảo đầu ra ổn định.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương ủng hộ mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chính. Theo Thứ trưởng Lương Lê Phương thì nên đưa ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra là ngành “có điều kiện” nhằm tiến tới thành lập những vùng nuôi tập trung quy mô lớn, có đầu tư và quản lý bài bản để hạ giá thành, tăng chất lượng cá theo tiêu chuẩn quốc tế. Về lâu dài, phải đẩy mạnh mô hình nuôi trang trại để dễ kiểm soát “đầu vào – đầu ra”, nhất là vấn đề môi trường, nhằm tránh những xuyên tạc của một số nước trên thế giới.

Liên kết “Bốn nhà” là giải pháp cho phát triển cá tra trong thời gian tới

 

Liên kết – Giải pháp toàn diện

Thừa, thiếu cá nguyên liệu là tình trạng cục bộ. Thừa lúc nông dân thả nuôi và thu hoạch đồng loạt, khi qua đợt thì lại rơi vào tình trạng thiếu. Muốn có lứa cá tra trong tháng 11 thì nông dân phải thả nuôi vào tháng 2 và 3, nhưng các tháng này không có cá giống nên việc thiếu cá nguyên liệu là đương nhiên. Một lứa cá từ khi thả nuôi đến thu hoạch phải mất từ 8 – 9 tháng, đôi khi là 10 tháng. Do vậy, tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ kéo dài cho tới đầu năm 2012.

Đánh giá về tình trạng thiếu nguyên liệu, Phó chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh cho biết, nếu phân tích sâu hơn hiện tượng thừa, thiếu nguồn nguyên liệu thì có thể thấy, chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể về vốn cho nuôi và tiêu thụ cá tra khiến lúc thừa, lúc thiếu.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, Việt Nam mới có khoảng 6.000 ha mặt nước nhưng đạt 1 triệu tấn cá, vẫn có thể tăng diện tích lên nhưng nuôi nhiều lại không tiêu thụ được, trong khi các nhà máy than thiếu nguyên liệu. Do vậy, liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, thị trường là vấn đề mà các ngành chức năng ở Trung ương, trong đó có Bộ NN&PTNT đang quan tâm sửa đổi.

Vấn đề liên kết tuy không mới nhưng để thực hiện được điều này lại là hoàn toàn mới.

>> “Năm 2012 – Để ngành công nghiệp cá tra phát triển bền vững, trước hết phải có một chiến lược liên kết chặt chẽ “thủy chung” giữa bốn nhà là Nhà nước – Nhà khoa học –  Doanh nghiệp – Nông dân”, đó là lời khẳng định Tổng thư ký VINAFIS Trần Cao Mưu.

Sao Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!