Dễ dàng chấp nhận bán cho nhiều khách hàng với nhiều giá khác nhau, công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh còn kém… nên việc xuất khẩu cá tra sang thị trường EU gặp nhiều khó khăn trong vài năm trở lại đây.
Nuôi cá tra tại Hợp tác xã Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ. Ảnh: HUỲNH XÂY
Theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), vài năm trở qua, xuất khẩu cá tra sang EU sụt giảm nhanh chóng. Ông Trần Văn Công – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: “Cùng với Mỹ, EU là thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam. Sự sụt giảm nói trên, ngoài nguyên nhân từ khủng hoảng kinh tế còn do yếu tố chủ quan khác, trong đó có việc doanh nghiệp vẫn chưa thích nghi với các rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm mới”.
Ông Jean Charles Diener – Giám đốc Công ty OFCO, Chuyên gia tư vấn chiến lược xuất khẩu vào thị trường EU cũng cho biết: “Trước đây, do thịt ngon, giá rẻ nên sản phẩm cá tra khi xuất sang EU nhanh chóng thay thế các loại cá thịt trắng và cá nước ngọt bản địa. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam không biết nắm bắt cơ hội này, có sự sai lầm trong chiến lược bán hàng”.
“Các doanh nghiệp dễ dàng chấp nhận bán cho nhiều khách hàng với nhiều mức giá khác nhau, công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh còn kém. Từ đó, con cá tra dần mất hình ảnh, giá bán bị sụt giảm, khó cạnh tranh” – ông Jean Charles Diener phân tích.
Không để tiếp tục mất hình ảnh
Ông Jean Charles Diener cho rằng: Vấn đề xây dựng, quảng bá hình ảnh cá tra phải được tập trung thực hiện nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng EU về sản phẩm con cá tra an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường từ ao nuôi đến bàn ăn.
Về vấn đề trên, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị ngành chức năng các tỉnh, thành tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến áp dụng quy trình sản xuất, chương trình quản lý chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra đột xuất hoạt động lưu thông, mua bán, sử dụng thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. Riêng người nuôi và doanh nghiệp cần mạnh dạn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khâu sản xuất giống, nuôi đáp ứng tốt các yêu cầu từ thị trường EU.
Ông Võ Hùng Dũng – Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, EU là thị trường chính cần được đầu tư, phát triển trong thời gian tới, qua đó tạo nền tảng phát triển sang các thị trường khác. “Để làm được vấn đề này, cần thực hiện tái cấu trúc ngành cá tra (sản xuất con giống có chất lượng, môi trường nuôi tốt, hoàn thiện khâu chế biến). Đồng thời đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư, xây dựng sàn giao dịch thủy sản…” – ông Dũng nói.
>> Năm 2012, xuất khẩu cá tra sang EU chiếm tỷ trọng 24% nhưng đến năm 2016 giảm chỉ còn 15%. Riêng 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 154 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,8%. |