(TSVN) – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhằm gỡ khó cho xuất khẩu cá tra tại thị trường Trung Quốc.
Thời gian gần đây, cơ quan thẩm quyền Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát gắt gao hơn hàng thủy sản đông lạnh từ các nước, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, theo phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc, từ ngày 10/11/2020 đến nay, cơ quan thẩm quyền tại cửa khẩu Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng thủy sản đông lạnh tại hầu hết các cảng lớn và quan trọng như: Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân, Thanh Đảo…
Theo quy định mới, các lô hàng thủy sản đông lạnh bao gồm cá tra fillet sẽ phải lấy mẫu kiểm tra Covid-19 trên bao bì và sản phẩm ngay tại cảng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì thời gian kiểm soát từ khi lấy mẫu đến khi trả kết quả để thông quan vẫn chưa có hướng dẫn và thông tin rõ ràng, cụ thể khiến lượng hàng hóa bị ách tắc tại cảng rất lớn. Tình trạng này khiến các nhà nhập khẩu thủy sản tại Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam tạm ngưng xuất khẩu nhằm giảm thiệt hại cho cả hai phía, đặc biệt đang vào dịp cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu thủy sản cao nhất.
Các doanh nghiệp cá tra lo lắng nguy cơ xuất khẩu lại đình trệ sau khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, bên cạnh đó, áp lực do các chi phí phát sinh từ kiểm hàng, lưu bãi, lưu công đối với hàng đông lạnh rất lớn trong khi giá xuất khẩu giảm.
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn
Hiện, VASEP đã báo cáo tình hình khó khăn trên với Bộ NN&PTNT, đồng thời đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao làm việc với cơ quan thẩm quyền Trung Quốc để giải quyết sự việc, giúp các doanh nghiệp cá tra sớm phục hồi xuất khẩu sang thị trường quan trọng này.
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Số liệu từ VASEP cho thấy, 11 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc (Trung Quốc – Hồng Kông) đạt 385,9 triệu USD, chiếm 34,4% tổng giá trị xuất khẩu của ngành hàng này.