Xuất khẩu cá tra tiến đến đỉnh lịch sử

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt 164 triệu USD, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, kim ngạch mặt hàng này đạt gần 2 tỷ USD, tăng 83% cùng kỳ.

Tăng trưởng mạnh

Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đang là quốc gia xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới. Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên năm 2020 và 2021 việc xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng, dẫn đến nguồn cung cho thế giới giảm sút. Nguồn cá tra dự trữ của các quốc gia đã cạn kiệt, dẫn tới năm 2022 rất nhiều nước ồ ạt khập khẩu trở lại cá tra Việt Nam sau khi đại dịch được khống chế.

Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu hơn 96.000 tấn cá tra fillet đông lạnh (mã HS030462), trị giá trên 405 triệu USD, tăng 26% về khối lượng và 95% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Giá cá xuất khẩu trung bình trong 8 tháng đầu năm đạt 4,21 USD/kg, tăng 54% cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra sang EU tăng gấp hơn 2 lần so cùng kỳ 2021. Năm 2022, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cá tra 3 quý đầu năm, với 589 triệu USD, tăng 111%. Khối CPTPP chiếm 13% với gần 260 triệu USD (tăng 80%).

Rõ ràng việc Việt Nam đang chiếm 90 – 94% thị phần cá tra trên thế giới, trong khi ảnh hưởng đại dịch thế kỷ, diện tích nuôi cá da trơn tại Mỹ giảm trong 3 năm liên tiếp, tại Trung Quốc, đã cắt giảm mạnh nhập khẩu cá thịt trắng, riêng khối lượng nhập khẩu cá minh thái từ Nga giảm 60%. Điều này đã ảnh hưởng tích cực đến việc tiêu thụ sản phẩm này khi đại dịch COVID-19 được khống chế và việc nuôi trồng, xuất khẩu trong nước đi vào ổn định, phát triển.

Mặc dù gần như độc quyền trong xuất khẩu cá tra, nhưng các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2022 đã chủ động chia sẻ một phần chi phí vận chuyển với đối tác, nhà nhập khẩu do vẫn duy trì mức giá bán hợp lý trên thị trường toàn cầu, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và đặt những nền tảng cho việc tăng trưởng lâu dài.

Doanh nghiệp có lãi

Trung Quốc, Mỹ, Mexico và Brazil vẫn là 4 thị trường nhập khẩu chính, chiếm gần 60% giá trị xuất khẩu cá tra Việt với gần 1,2 tỷ USD. Việc các thị trường chính đều có kết quả kinh doanh tốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam thu được nhiều lợi nhuận tích cực. Ngoài ra, nhiều thị trường ngách, nhỏ cũng tăng đột biến. Xuất khẩu sang Lào tăng tới 2.214%, sang Campuchia tăng 474,7%, Myanmar tăng 254,8% và Indonesia tăng 173,7%…

Các “ông lớn” của ngành cá tra cũng ghi nhận những kết quả hết sức khả quan sau 9 tháng đầu năm. Theo báo cáo tài chính của Công ty CP Vĩnh Hoàn cho thấy, quý III năm nay, Công ty ghi nhận lợi nhuận lãi gần 460 tỷ đồng, tăng 76,24% so với quý III/2021. Lũy kết 9 tháng năm 2022, lãi sau thuế của Vĩnh Hoàn là 1.815 tỷ đồng, so với gần 649 tỷ đồng của 9 tháng 2021. Công ty CP Thủy sản Nam Việt cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III/2022 đạt gần 120 tỷ đồng so với mức lỗ gần 13,17 tỷ đồng quý III/2021. Lũy kế 9 tháng năm nay, Nam Việt đạt mức lợi nhuận sau thuế 567,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lãi gần 74,4 tỷ đồng 9 tháng 2021. Doanh số của một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra khác cũng tăng trưởng như: Thủy sản Biển Đông tăng 41%; Vạn Đức Tiền Giang tăng gần 61%; Đại Thành Tiền Giang tăng 118%; Thủy sản NTFS tăng 87%…

Nhìn nhận kết quả ấn tượng trên của ngành cá tra, theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng là nhờ tổng hòa nhiều yếu tố. Đó là, sau suốt 3 năm ách tắc, thị trường đã được khơi thông khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Đặc biệt, cá tra được tiêu thụ mạnh ở kênh dịch vụ ăn uống nên khi nhà hàng, khách sạn, quán ăn… mở cửa trở lại, khách hàng đặt hàng tới tấp. Năm 2022, thế giới đối mặt với lạm phát thì cá tra có lợi thế là loại thủy sản chất lượng, giá bình dân nên nhu cầu tăng cao.

Nhiều thách thức

Mặc dù xuất khẩu cá tra đang rất thuận lợi, song vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Giá cá tra nguyên liệu hiện ổn định ở mức 30.500 – 31.000 đồng/kg, tăng đáng kể so với năm ngoái. Tuy nhiên người nông dân chỉ có lãi nhẹ, do chi phí đầu vào tăng cao, giá thành nuôi cá tra nhiều nơi đã ở mức 27.000 – 28.000 đồng/kg. Việc người nông dân vất vả nuôi trồng nhưng lợi nhuận thấp có thể làm thu hẹp diện tích nuôi trồng, dẫn tới nguyên liệu chế biến xuất khẩu có thể thiếu hụt. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, địa phương cung cấp khoảng 60% sản lượng cá tra giống cũng lên tiếng về việc tỉnh này “đang đối mặt nhiều thách thức như chất lượng con giống có biểu hiện suy giảm”.

Mặc dù xuất khẩu cá tra năm 2022 tăng trưởng nhanh sau đại dịch thế kỷ, song theo nhiều chuyên gia kinh tế thì việc tăng trưởng này chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao như mong đợi, do chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô. Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm cá tra fillet/cắt khúc đông lạnh mã 0304 đạt trên 1,7 tỷ USD, chiếm 87%, cá tra tươi, nguyên con mã 03 chiếm 12% đạt 235 triệu USD. Trong khi các sản phẩm cá tra chế biến chỉ chiếm 2% với 138 triệu USD.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự VASEP đánh giá các doanh nghiệp cá tra đã rất nỗ lực để có kết quả cao như năm nay. Nhưng theo bà, ngành cá tra còn có thể phát triển hơn nữa nếu xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp cá tra đoàn kết chứ không phải những mảnh ghép riêng lẻ như hiện tại. “Thẳng thắn mà nói thì ngành cá tra Việt Nam lớn nhưng không mạnh, xuất khẩu nguyên liệu là chủ yếu và chưa có thương hiệu để người tiêu dùng thế giới biết đến. Phần lớn cá tra bán ở nước ngoài dưới tên nhà nhập khẩu hoặc bán lẻ, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 1 dòng tên nhỏ, thậm chí chỉ là mã số doanh nghiệp” – bà Hồng Minh nói.

Tiếp tục đột phá, phát triển

Năm 2023 sắp tới dự kiến sẽ vẫn là năm khá thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá tra. Cùng với lệnh cấm vận với sản phẩm thủy sản Nga, các nước EU tiếp tục tìm kiếm sản phẩm thủy sản thay thế, trong đó có các sản phẩm đến từ Việt Nam. Xuất khẩu sang Đức tăng 107%, Tây Ban Nha tăng 75%, Bỉ tăng 92% và Italy tăng 90%. Có thể nói, cá tra Việt Nam đang trên con đường trở lại chinh phục thị trường châu Âu sau một thời gian dài chịu sự cạnh tranh lớn với các loại cá thịt trắng tại đây. Lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU áp lên sản phẩm cá thịt trắng khiến giá cá minh thái đông lạnh, rút xương một lần tại Mỹ đã lên khoảng 4.600 USD/tấn. Việc giá cá thịt trắng tăng cao cũng kéo theo giá cá tra trên thị trường thế giới tăng theo.

Theo bà Hồng Minh, ngành cá tra có cơ hội lớn trong việc xây dựng thương hiệu do ngành đang đi theo hướng kinh tế xanh, giảm phát thải khi toàn bộ phụ phẩm cá tra đều được sử dụng. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải hợp lực, đồng lòng để xây dựng thương hiệu chung thì mới có thể làm chủ cuộc chơi, chủ động ấn định giá bán chứ không phải cạnh tranh với nhau về giá.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!