(TSVN) – 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam nhưng hiện đang có sự sụt giảm mạnh. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, mấu chốt lớn nhất để xuất khẩu tăng trưởng bền vững sang Trung Quốc chính là mở đường xuất khẩu chính ngạch cho thủy sản tươi sống.
Thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam có lợi thế so sánh trong sản xuất như: thủy sản, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, thịt gia súc gia cầm… Trung Quốc có tuyến biên giới đường bộ rất thuận lợi cho Việt Nam xuất, nhập khẩu hàng hóa với 70% sản phẩm nông sản Việt Nam sang thị trường này bằng đường bộ. Đây là cửa ngõ quan trọng để Việt Nam đưa nông sản ta vào sâu trong nội địa của Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch rất rõ rệt, GDP quý I/2023 tăng 4,5% so cùng kỳ năm ngoái, vượt qua các dự báo. Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đều coi nhau là đối tác thương mại quan trọng. Gần gũi về địa lý, có chung đường biên nên có lợi thế về vận chuyển hàng nông sản cung ứng tới người tiêu dùng. Đó là những thuận lợi để đẩy mạnh việc xuất, nhập khẩu trong thời gian tới.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 4 tháng đầu năm nay, thị trường này đã nhập khẩu 1,26 triệu tấn thủy sản, trị giá 5,8 tỷ USD, tăng 6% về lượng và 10% về giá trị so cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu tôm các loại chiếm tỷ trọng cao nhất, 30% về khối lượng và 43% về giá trị trong tổng nhập khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Trong 4 tháng đầu năm, thị trường này đã nhập khẩu gần 359.000 tấn tôm, trị giá trên 2,4 tỷ USD. Trong đó, tôm nước ấm (TTCT, tôm sú) nhập khẩu vào Trung Quốc đạt 322.000 tấn, trị giá tên 1,8 tỷ USD, là sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất cả về khối lượng và giá trị. Giá trung bình nhập khẩu tôm vào Trung Quốc đạt 5,6 USD/kg. Các nguồn cung cấp khác trong top 10 bao gồm Thái Lan, Argentina, Mỹ, New Zealand, Nga, Indonesia và Greenland. Nhập khẩu tôm từ hầu hết các nước này đều tăng. Việt Nam là nguồn cung thứ 11 và có mức sụt giảm mạnh nhất tại thị trường này.
Trung Quốc dự kiến nhập khẩu 1 triệu tấn tôm, trị giá 7 tỷ USD trong năm 2023; mở ra cơ hội tiềm năng to lớn cho Việt Nam. Ảnh: Chí Quốc
Nhập khẩu cá tra vào Trung Quốc chiếm 4% về khối lượng và 2% về giá trị. Trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 52.500 tấn cá tra Việt Nam. Giá trung bình nhập khẩu liên tục sụt giảm, từ 2,27 USD trong tháng 1 xuống 2,14 USD trong tháng 4. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trung bình nhập khẩu cá tra vào Trung Quốc giảm 3 – 14% so cùng kỳ năm ngoái.
Các loài thủy, hải sản khác chiếm 67% khối lượng và 55% giá trị nhập khẩu thủy sản vào Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay, với 828.000 tấn, trị giá trên 3,1 tỷ USD, tăng 10% về giá trị và khối lượng tương đương cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ NN&PTNT, tuy hội tụ nhiều lợi thế về giao thương nông sản, nhưng việc hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai nước còn thiếu tính bền vững. Đó là chưa xây dựng được chuỗi liên kết nông sản an toàn và bền vững để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chuỗi cung ứng chưa được xuyên suốt còn đứt gãy, nên các doanh nghiệp vẫn chủ yếu như bán lẻ và đi tìm mối, không có sự kết nối. Đó không chỉ vấn đề xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói mà còn vấn đề logistics để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt giữa hai bên. Khi hình thành chuỗi này, doanh nghiệp có thể đăng ký trước thời gian thông quan ở cửa khẩu, giảm nguy cơ gây ách tắc.
Báo cáo phát hành về ngành thủy sản vào tuần đầu tháng 6/2023 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty Chứng khoán VnDirect cho thấy, thị trường Trung Quốc trong tháng 5/2023, hoạt động sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nước này kết thúc chính sách “Zero COVID”, do nhu cầu trong nước yếu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tình hình ảm đạm trong lĩnh vực bất động sản. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ thủy sản Việt ở nước này. Theo VnDirect, thị trường Trung Quốc phục hồi không như mong đợi sau khi mở cửa hoàn toàn. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá tra và tôm sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Nguyên do được chỉ rõ là vì giá thịt lợn điều chỉnh mạnh và nguồn cung cá rô phi tăng trở lại làm giảm nhu cầu tiêu thụ cá tra. Giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc của Việt Nam giảm do cạnh tranh từ các nước có nguồn tôm giá rẻ như Ấn Độ, Ecuador… Chuyên gia phân tích của VnDirect dự báo, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.
VASEP cho hay, hiện đang là thời điểm bắt đầu vào vụ khai thác, đánh bắt thủy, hải sản với số lượng nhiều. Do đó, nếu không nhanh chóng tìm được “đầu ra” tiêu thụ cho thủy sản thì lượng hàng tồn kho nguy cơ gia tăng mạnh sẽ là áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp ngành này. Điều đó đặt ra bài toán lớn cho ngành thủy sản cũng như đòi hỏi cần sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hóa giải các rào cản để lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc.
Diễn biến kim ngạch, tăng trưởng xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam quan các quý. Nguồn: VASEP, VNDIRECT Research
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, mấu chốt lớn nhất để tăng trưởng một cách bền vững cho thủy sản xuất khẩu Trung Quốc chính là mở đường xuất khẩu chính ngạch cho thủy sản tươi sống. Trong một diễn đàn giao thương nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đầu năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường này chỉ ra rào cản rất lớn hiện các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc các mặt hàng thủy sản chế biến, còn các mặt hàng thủy sản tươi sống vẫn chưa được cấp phép. Các doanh nghiệp chỉ có thể đưa hàng qua biên giới theo hình thức xuất khẩu cư dân biên giới.
Ngày 8/6, Bộ NN&PTNT đã gửi Công hàm số 105/CH-BNN-HTQT đến Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đề xuất xem xét bổ sung một số trái cây, loài, sản phẩm thủy sản và một số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Bộ NN&PTNT đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm hoàn tất thủ tục ký Nghị định thư giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN&PTNT Việt Nam về yêu cầu ATTP, kiểm dịch và kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Xem xét bổ sung một số trái cây, loài, sản phẩm thủy sản và một số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc đã được cơ quan chức năng phía Việt Nam kiểm tra đạt yêu cầu theo quy định Lệnh 248, 249 của Hải quan Trung Quốc. Đề xuất cho phép xuất khẩu thủy sản sống qua các cửa khẩu tại tỉnh Vân Nam, nhằm giảm áp lực thông quan giữa các cửa khẩu và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam tăng cường giao lưu trao đổi quy trình nghiệp vụ, cập nhật thông tin xử lý kịp thời vướng mắc nâng cao năng lực thông quan.
Đại diện Bộ Công thương thông tin, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường. Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Ngoài ra, một trong những giải pháp trước mắt và trọng tâm trong thời gian tới là nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới, giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; cùng đó, có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Hồng Hạnh