(TSVN) – Hiện nay, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng thiếu vỏ container. Theo đánh giá, khó khăn này đã khiến cho giá trị xuất khẩu các mặt hàng giảm một nửa trong tháng 12 này.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Nguyễn Hoài Nam, cho rằng, đầu năm xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, những tháng cuối năm tình hình thay đổi rất tích cực, riêng trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản đạt 900 triệu USD, cao nhất trong các tháng của ít nhất 5 năm trở lại đây. Hai tháng cuối năm, thủy sản Việt Nam không thiếu khách hàng, mà doanh nghiệp gặp khó trong khâu vận chuyển do thiếu container và giá cước tăng cao đột biến. Điều này khiến xuất khẩu thủy sản năm nay giảm khoảng 200 triệu USD so với dự kiến, vì nhiều đơn hàng bị lui, hoãn.
Nguyên nhân được cho là do dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại tại các nước khiến việc xử lý hàng hóa chậm trễ do thiếu hụt nhân lực, do vậy container rỗng tồn đọng tại Bắc Mỹ và châu Âu trong khi lại thiếu hụt ở khu vực châu Á nên đẩy giá container lên cao. Đặc biệt, phía Trung Quốc đã tích cực gom container từ các nước nên dẫn đến việc khan hiếm này.
Việc thiếu vỏ container thiếu hụt trong khi nhu cầu của doanh nghiệp tăng cao nên đã đẩy giá thành vận tải tăng mạnh. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trưởng nông sản, cho biết, thông thường giá thuê container đi EU khoảng 1.500 – 1.800 USD/container, nhưng nay giá đã tăng lên 8.000 – 10.000 USD/container. Tuy nhiên, cũng theo ông Hòa, rất khó để can thiệp vào khâu nay vì hầu hết các tàu vận chuyển quốc tế đều là hãng tàu nước ngoài.
Theo Bộ Công thương, thời điểm cuối năm các ngành nông, thủy sản vào mùa cao điểm giao dịch và giao hàng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau nên lượng hàng xuất khẩu rất lớn. Do vậy, việc tăng giá cước tàu biển, giá thuê container sẽ có tác động bất lợi, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Hơn nữa, việc tăng giá cước thuê tàu cũng gây hiệu ứng làm tăng các khoản phí, phụ phí thu tại cảng như phí xếp dỡ, phí mất cân bằng container, phụ phí mùa cao điểm… và các khoản phí này phía doanh nghiệp Việt Nam phải chịu.
Trước tình hình căng thẳng này, ngày 25/12 vừa qua, Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) đã có văn bản gửi các Hãng tàu vận tải biển container. Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các Hãng tàu vận tải biển container hoạt động tại Việt Nam thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam về việc niêm yết giá. Cung cấp thông tin về việc niêm yết giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển; Có biện phép tăng lượng dự trữ container rỗng (loại 40 feet) ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa bằng container cho các chủ hàng trong giai đoạn nhu cầu tăng cao hiện nay.
Cùng đó, công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container và thực hiện việc tăng giá theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam; đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát các bộ phận điều hành không để cho các cá nhân lợi dụng tình hình hiện tại của thị trường trục lợi, chào giá bất hợp lý gây khó khăn cho các chủ hàng và gây rối thị trường vận tải biển.
Đồng thời, kêu gọi các Hãng tàu vận tải biển container đồng hành cùng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn khó khăn hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Văn bản số 251/TB-VPCP ngày 24/7/20202 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ – Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 1/7/2020; Đề xuất các giải pháp để lưu chuyển lượng container rỗng nội địa phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu và các giải pháp khác nhằm giảm thiểu việc tăng giá cước vận chuyển container trong giai đoạn hiện nay.
>> VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp thủy sản cần lên kế hoạch và kịch bản sẵn sàng ứng phó nhằm hạn chế tối thiểu sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, giảm thiểu tối đa sự sụt giảm xuất khẩu của mỗi doanh nghiệp cũng như tổng kim ngạch của toàn ngành trong thời gian tới. |
việt nam mình có nhiều cảng .ko có nổi tàu vận chuyển để trung quốc thao túng . ôi đau quá