(TSVN) – Xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong tháng 1/2021 tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 44 triệu USD; trong đó các thị trường chính đều tăng trưởng mạnh như Australia, Italia, Bồ Đào Nha, Trung Quốc…
Trong tổng cơ cấu mực, bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam, mực chiếm 52%, bạch tuộc chiếm 48%. Giá trị xuất khẩu bạch tuộc và mực tăng so với cùng kỳ. Hiện, xuất khẩu mực và bạch tuộc chế biến (HS16) giảm lần lượt là 29% và 18% so với cùng kỳ. Mực khô/nướng (HS03) là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất 36% đạt 10 triệu USD.
Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc trong tháng 1 tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 18 triệu USD.
Ảnh minh họa
Tại thị trường Trung Quốc, sau thời gian bất ổn vì đại dịch Covid-19, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng cao ấn tượng so cùng kỳ, tăng 224% so với tháng 1/2020; đây cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong tháng 1.
Tại EU, nhờ có Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang các thị trường này tiếp tục được cải thiện. EU đang là thị trường nhập khẩu mặt hàng này lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sang Bồ Đào Nha tăng 430% so cùng kỳ; xuất khẩu sang Italia tăng 34%.
Ngoài ra, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang khối thị trường CPTPP cũng đang có sự tăng trưởng. Trong đó, Nhật Bản, Australia và Malaysia đang là các thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng này trong khối.
Nhật Bản hiện đang là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam, trong tháng 1/2021 đạt gần 8 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các sản phẩm như mực nang đông lạnh, mực ống cắt khoanh đông lạnh, mực ống nguyên con làm sạch sushi ăn liền đông lạnh, mực ống đông lạnh Geso, mực ống đông lạnh Sugata, mực ống đông lạnh Sushi…
VASEP dự kiến xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục tăng khi dịch Covid-19 đang dần được khống chế, nguồn cung nguyên liệu sụt giảm trong khi nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc của thế giới rất lớn.