Tài liệu của ngành chuyên trách cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu ngao sang Trung Quốc giảm hơn 90%. Bình quân mỗi tháng trong năm 2012 Việt Nam xuất khẩu ngao sang Trung Quốc đạt hơn 2 triệu USD. Trong khi đó, chỉ số nói trên của hơn 3 quý vừa qua chỉ đạt hơn 1.400USD/tháng. Tiêu thụ ngao tại thị trường Trung Quốc những năm trước đây chiếm gần 50% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam, hiện thời tỷ trọng đó giảm sút thê thảm, chỉ còn hơn 2%.
So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu ngao sang Trung Quốc ở chiều hướng đi xuống với tốc độ gần như rơi thẳng đứng (giảm hơn 90%). Tình trạng đó dẫn đến những hậu quả nặng nề: ngao tồn đọng số lượng lớn, giá bán liên tục giảm. Hiện, tất cả các địa phương nuôi ngao xuất khẩu đều ở trong tình cảnh ế thừa, bế tắc đầu ra. Riêng Thái Bình và Nam Định, tính đến đầu quý IV-2012, số lượng ngao tồn đọng lên đến hơn 37 ngàn tấn. Thái Bình là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng ngao tồn đọng, dự ước khoảng 20 ngàn tấn.
Thời điểm cuối năm 2011 và đầu 2012, giá ngao trên thị trường nội địa biến động ở mức 24 – 25 ngàn đồng/kg. Còn hiện thời, giá ngao lao dốc chỉ hơn 15ngàn đồng/kg. Rớt giá thê thảm nhưng rất khó tiêu thụ, ngao đến kỳ thu hoạch nhưng cung vượt quá cầu. Vì thế những địa phương thuộc vùng chuyên canh ngao phải gánh chịu hậu quả là để ngao quá lứa. Đến kỳ thu hoạch nhưng không được tiêu thụ, ngao bị quá lứa tồn đọng số lượng lớn, hộ nông dân nuôi ngao bị “đóng băng” tiền vốn, hiệu quả kinh tế theo đó giảm sút mạnh, thậm chí có khả năng thua lỗ lớn.
Phong trào nuôi ngao được nhân rộng ở nhiều địa phương cách đây gần 10 năm. Vùng ven biển các tỉnh bắc bộ và bắc Trung Bộ trở thành “trung tâm” nuôi ngao của cả nước. Mặt hàng ngao phục vụ nhu cầu thị trường (kể cả nội địa cũng như xuất khẩu) chủ yếu có xuất xứ từ Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Mỗi năm các địa phương nuôi ngao tạo thêm việc làm cho hàng vạn lao động, nhất là lao động thời vụ.
Kể từ khi mặt hàng ngao gần như “tắc đường” vào thị trường Trung Quốc, số đông hộ nuôi ngao ở các địa phương gặp nhiều bất lợi, hiệu quả kinh doanh tụt dốc mạnh. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng ngao ở nhiều nước không hề giảm. Điều kiện nuôi ngao tại nhiều địa phương vẫn có khả năng mở rộng. Vấn đề đặt ra là cần tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, đừng quá ỷ lại đến mức trở thành phụ thuộc thị trường Trung Quốc.