T2, 06/07/2020 09:57

Xuất khẩu nhuyễn thể: Vẫn chưa thực sự… mạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Nhuyễn thể (nhuyễn thể chân đầu, hai mảnh vỏ) được coi là thế mạnh xuất khẩu thứ ba của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển của thế mạnh này vẫn chưa thực sự như kỳ vọng.

Hai nửa buồn – vui

Năm nay, nhuyễn thể của Việt Nam lại tiếp tục bị dịch bệnh hoành hành trên diện rộng. Bến Tre, Tiền Giang và Cà Mau là những địa phương thiệt hại lớn nhất. Chỉ riêng Bến Tre, tổng giá trị thiệt hại ước trên 400 tỷ đồng. Nhiều địa phương cũng chịu thiệt hại rất lớn do dịch bệnh, môi trường gây ra như ngao chết ở Cát Bà (Hải Phòng), nghêu, hàu ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), tu hài chết ở Cam Ranh (Khánh Hòa)… Các nguyên nhân được xác định là ngao bị nhiễm ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh, tu hài bị nhiễm vi khuẩn, và sự thay đổi của môi trường (nhiệt độ, độ mặn, chất ô nhiễm) gây chết hàng loạt. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có những biện pháp hiệu quả để phòng ngừa.

Tuy nhiên, một số vùng nuôi ngao như Giao Thủy (Nam Định), Tiền Hải (Thái Bình) lại là một năm bội thu. Tổng sản lượng ngao của Thái Bình năm nay là 43.000 tấn, tăng 43% so với năm ngoái.

Mặt khác, tính đến nửa đầu tháng 11/2011, nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam đã có mặt tại 49 thị trường, trong đó EU vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 44,3 triệu USD. Bên cạnh đó, mực và bạch tuộc cũng đạt giá trị xuất khẩu rất lớn. 11 tháng của năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam cũng đạt hơn 433 triệu USD.

Bè nuôi hàu ở Quảng Ninh                                        Ảnh: Huy Hùng

 

Định hướng phát triển năm 2012

Năm 2011 đánh dấu sự trưởng thành của ngành nhuyễn thể thông qua việc thực hiện tốt tiêu chuẩn MSC về nuôi nghêu bền vững, nhiều địa phương chủ động sản xuất được con giống nhân tạo, khai thác hiệu quả nguồn giống tự nhiên, thực hiện thành công chính sách của nhà nước… đã mang lại diện mạo mới cho nhuyễn thể của Việt Nam.

Tuy nhiên, để sản phẩm nhuyễn thể của nước ta phát triển và cạnh tranh hơn nữa thì cần phải tập trung vào xây dụng quy hoạch phát triển vùng nuôi, kỹ thuật nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm. Song song với đó là đầu tư nghiên cứu, phát triển các giống nhuyễn thể có giá trị cao như ngao hoa, tu hài, ốc hương…

Việc thoái hóa nguồn bố mẹ trong sinh sản nhân tạo và hiện tượng cận huyết đang là những vấn đề lớn đối với việc nuôi trồng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, trong đó có tu hài, một trong những đối tượng chính.

Ngành khai thác nhuyễn thể chân đầu như mực, bạch tuộc cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi chi phí đầu vào tăng cao, ngư trường bị hạn chế nên năng suất chưa cao, vấn đề tổn hao sau thu hoạch ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng và giá trị…

Do vậy, với định hướng phát triển nuôi nhuyễn thể tập trung theo hướng tạo sản phẩm hàng hóa lớn cho xuất khẩu. Coi thị trường xuất khẩu là trọng tâm và thị trường nội địa là thế mạnh để phát triển thì hy vọng những năm tới nhuyễn thể sẽ thực sự trở thành thế mạnh xuất khẩu của thủy sản Việt Nam. 

>> Mục tiêu phát triển nhuyễn thể nước ta đến năm 2020 là tập trung vào các đối tượng chính như: nghêu, sò huyết, tu hài, hàu và ốc hương tại các tỉnh ven biển có tiềm năng. Đến năm 2015, tổng diện tích là 43.360 ha và sản lượng là 437.940 tấn. Đến năm 2020, tổng diện tích là 55.130 ha và sản lượng đạt 583.950 tấn.

                Quốc Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!