(TSVN) – Xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2024, với giá và sản lượng đều tăng.
Theo Liên minh Tiếp thị và Chế biến Thủy sản Trung Quốc (CAPPMA), năm 2024, nhu cầu nội địa đối với cá rô phi có xu hướng tăng trưởng, do đó ngành rô phi sẽ cải thiện và phục hồi. CAPPMA cho rằng ngành sản xuất và chế biến cá rô phi cần nâng cao kỷ luật để thích nghi với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Năm 2023, Trung Quốc xuất khẩu 110.211 tấn cá rô phi đông lạnh (HS 030323), tăng 47,4% so với năm 2022 (74.784 tấn); giá trung bình giảm từ 2.195 USD/tấn năm 2022 xuống 1.834 USD/tấn năm 2023. Xuất khẩu phile rô phi đông lạnh (HS 030461) đạt 25.634 tấn, giảm so với năm 2022 (27.153 tấn); giá trung bình giảm từ 3.815 USD/tấn (2022) xuống 3.026 USD/tấn (2023).
Tuy nhiên, kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, giá rô phi nguyên liệu duy trì tương đối cao. Phát ngôn viên của Tập đoàn Tongwei, nhà sản xuất thức ăn thủy sản lớn thứ hai Trung Quốc và là nhà cung cấp rô phi đông lạnh lớn nhất sang Mỹ, cho biết các nhà máy phía nam Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất, do dự trữ của quý 4/2023 không đủ. Tongwei hy vọng từ nay tới quý 2/2024, giá nguyên liệu sẽ tăng.
Ông Liu Zhili, tổng giám đốc công ty Công nghệ thủy sản Tianzhiyu Hải Nam – nhà cung cấp cá rô phi giống lớn thứ hai Trung Quốc, cho rằng giá rô phi tăng đã khuyến khích người nuôi thả giống trong tháng 1 và tháng 2, do đó sản lượng rô phi nửa đầu năm 2024 được kỳ vọng sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ông cho biết một số cơ sở ương giống đã có đơn đặt hàng đến tận tháng 5/2024, do thời tiết có thể ảnh hưởng tới sản xuất cá giống. Ông Liu hy vọng với tình hình các nhà máy đều thiếu nguyên liệu, giá rô phi sẽ còn tăng từ nay tới tháng 6. “Các nhà chế biến cá rô phi tại Hải Nam đang không hoạt động hết công suất. Họ có đơn hàng xuất khẩu, nhưng không thể tìm đủ nguyên liệu để sản xuất”, ông Liu cho biết.
An Vy (Theo Undercurrentnews)