Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối: Tình hình xuất khẩu hàng hóa vào EU trong những năm tới của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, do những rào cản phi thuế quan như chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ mà thị trường này đặt ra.
Cụ thể, với lĩnh vực thủy sản, các nước EU vẫn còn một số thông tin sai sự thật, thiếu khách quan đối với cá tra Việt Nam làm tác động đến tâm lý người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những báo cáo truyền thông tiêu cực của các thị trường nhập khẩu cũng cho rằng: Ngành cá tra Việt Nam sản xuất ồ ạt và có nhiều tác động tiêu cực. Do vậy, EU đã thông qua đề xuất bắt buộc các nhà nhập khẩu thủy sản phải ghi rõ ngư cụ khai thác với từng loại thủy sản và chi tiết ngư trường khai thác.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU trong những năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn – Ảnh: Huy Hùng
Trước những khó khăn trên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, cần sớm áp dụng thí điểm cơ chế xuất khẩu fillet đông lạnh cá tra qua đầu mối dịch vụ thống nhất sang thị trường EU.
VASEP cũng khẳng định, hiện nay, xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang EU và các thị trường khác đều tuân thủ chặt chẽ các quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, những quy định của các nước nhập khẩu. Những thông tin từ phía EU cho rằng Việt Nam xuất khẩu ồ ạt sang thị trường này hoàn toàn vô lý bởi Việt Nam khi xuất khẩu sang bất kỳ thị trường nào đều có hạn ngạch nhất định. Với các loài hải sản đánh bắt, Việt Nam đều tuân thủ quy định có chứng nhận về truy xuất nguồn gốc xuất xứ khai thác, đánh bắt (IUU), hàng hóa đảm bảo chất lượng.