T2, 06/07/2020 09:58

Xuất khẩu thủy sản 2012: “Cứu cánh” thị trường Mỹ

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang xem Mỹ là thị trường “cứu cánh” để giúp kế hoạch kinh doanh năm 2012. Tuy nhiên, thị trường Mỹ không phải doanh nghiệp thủy sản nào muốn vào là có thể vào được.

Chuyển hướng xuất khẩu

Ngày 8/3, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sao Ta (Fimex VN) bận rộn với những thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Điểm đến của ông là Hội chợ Thủy sản quốc tế Boston (Mỹ) diễn ra từ ngày 11-13/3. Mục đích của chuyến đi là tìm kiếm những đơn hàng mới từ Mỹ. Cùng đi với ông Lực còn có nhiều doanh nghiệp thủy sản khác.

Năm 2011, tổng doanh thu của Fimex VN là 89 triệu USD, tăng 15 triệu USD so với năm 2010. Kế hoạch kinh doanh của Fimex VN năm nay là 90 triệu USD, song điều này sẽ không đạt được nếu chỉ dựa vào thị trường truyền thống Nhật Bản.

 

Chế biến cá tra tại Tập đoàn Hoàng Long    Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 

Theo ông Lực, việc qua Mỹ để tham dự hội chợ là để tìm kiếm những đơn hàng mới từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này nhằm thay thế những đơn hàng bị mất tại thị trường Nhật Bản.

Một lý do nữa, sở dĩ năm 2011 Fimex VN có doanh thu 89 triệu USD, đứng vị trí thứ 4 trong số những doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam là nhờ vào giá những sản phẩm chế biến từ tôm vào thị trường Nhật Bản tăng. Còn năm nay, giá tôm xuất vào Nhật đã giảm gần 2 USD/kg. Vì thế, để đạt kế hoạch kinh doanh, Fimex VN phải tăng sản lượng lên 10%.

Không chỉ riêng Fimex VN, một “đại gia” về tôm khác là Công ty TNHH Kinh doanh chế biến thủy sản và XNK Quốc Việt cũng tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Có nhiều cơ sở để Quốc Việt tăng thị phần tại Mỹ trong năm 2012, đó là do trong đợt xem xét chống bán phá giá tôm từ 1/2/2010 đến 31/7/2010, Quốc Việt được hưởng mức thuế suất 0% khi xuất vào thị trường này.

Cũng như những doanh nghiệp chế biến thủy sản khác, khi gặp khó khăn ở thị trường này thì phải nhanh chóng tìm kiếm thị trường mới để thay thế. Vì vậy, Quốc Việt xem Mỹ là thị trường “màu mỡ” cần phải khai phá trong chiến lược kinh doanh của Công ty. Điều này càng được chứng tỏ khi trong tháng 1/2012, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã chiếm 30% tổng giá trị của Quốc Việt.

 

Cần đảm bảo chất lượng tốt

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xem Mỹ là thị trường “cứu cánh” để giúp kế hoạch kinh doanh năm 2012 của họ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra vào cuối năm. Song, thị trường Mỹ không phải doanh nghiệp thủy sản nào muốn vào là có thể vào được vì yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường Mỹ cũng rất cao, đây sẽ là rào cản lớn đối với những doanh nghiệp thủy sản khi vào đây.

Trong năm qua, sở dĩ, nhiều doanh nghiệp ký ít hợp đồng xuất vào thị trường Nhật Bản là do nước này tăng cường kiểm tra dư lượng kháng sinh đối với sản phẩm thủy sản khi nhập khẩu, lên tới 100% lô hàng thủy sản từ Việt Nam và nhiều doanh nghiệp đã bị trả hàng về và dĩ nhiên, họ phải tìm thị trường thay thế.

Theo số liệu Hải quan, tháng 1 năm nay, châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam khi chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Thị trường Mỹ có sự tăng trưởng ấn tượng khi chiếm gần 19% tổng giá trị, thứ 3 là Nhật Bản với gần 18%, Hàn Quốc đứng vị trí thứ 4 và chủ yếu là những mặt hàng chế biến từ hải sản.

Như vậy, Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, nhưng cũng như Nhật Bản, doanh nghiệp trong nước phải biết tuân theo luật lệ của người Mỹ nếu muốn làm ăn lâu dài. Mà để được như vậy thì việc đầu tiên là doanh nghiệp phải có những sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Và xem đó là một trong những thế mạnh để cạnh tranh với sản phẩm thủy sản từ các nước như Thái Lan, Indonesia, các quốc gia vùng Vịnh, vốn đang nổi lên và tìm cách cạnh tranh với ngành thủy sản nước ta.

Hội chợ Thủy sản quốc tế Boston là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trưng bày các tài liệu, hình ảnh, tìm kiếm thêm đối tác… Khi năm nay, Hội chợ dự kiến đón khoảng 17.000-18.000 doanh nghiệp tham gia.

>> Boston được xem là hội chợ thủy sản lớn nhất khu vực Bắc Mỹ về các sản phẩm hải sản đông lạnh, đóng hộp và hệ thống trang thiết bị chế biến. Với sự tham gia của khoảng 800 công ty chế biến, xuất nhập khẩu, phân phối, các siêu thị ở Mỹ và nhiều nước khác.

Vũ Hạ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!