Năm 2012, thủy sản Việt Nam gần như nằm trọn trong cơn bĩ cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Năm 2013 đã đến, nhưng những tín hiệu đầu năm cho thấy, khó khăn sẽ vẫn còn nhiều.
Thị trường co hẹp
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản 2012 đạt khoảng 6,18 tỷ USD, chỉ tăng gần 1% so với năm 2011, trong đó tôm đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 8,3% so với năm ngoái, cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tương đương với năm 2011.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm sang EU đạt 1,04 triệu USD, giảm 14,4% và Nga đạt 88,7 triệu USD, giảm 11,6% so cùng kỳ năm 2011.
Những mặt hàng xuất khẩu chính sang các nước truyền thống cũng chưa được khơi thông. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản vẫn bị rào cản về Ethoxyquin. Xuất khẩu tôm sang Mỹ do phải cạnh tranh với Ấn Độ, dự kiến đạt 127 triệu USD trong quý IV, tương đương với quý III. Mặt hàng cá tra cũng sụt giảm, số lượng xuất khẩu sang thị trường châu Âu từ 24% – 27%, tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra trong quý IV chỉ đạt khoảng 10 – 15%/tháng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và các quý trước đó.
Thống kê 11 tháng năm 2012, nhập khẩu thủy sản tại các thị trường chính đều tăng so cùng kỳ năm 2011, cụ thể: Mỹ đạt trên 1,1 tỷ USD tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2011; Nhật Bản khoảng trên 1 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, mức tăng trưởng này không bền vững, đến nay, các doanh nghiệp cũng không còn nhiều đơn đặt hàng. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP dự báo, năm 2013, dù nhu cầu tăng, nhưng khó khăn tài chính chung khiến số lượng nhập khẩu thủy sản chỉ có thể duy trì mức bằng so với năm nay (5,363 tỷ USD, tính đến giữa tháng 11/2012), hoặc cao hơn một phần nhỏ.
Doanh nghiệp hụt hơi
Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 chỉ đạt khoảng 2,4%. Bên cạnh đó, Mỹ được dự báo chỉ tăng trưởng 1,7%, Nhật Bản vẫn đối diện nhiều khó khăn. Theo quy định mới của Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thực phẩm không những phải đăng ký lại cơ sở sản xuất với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) từ ngày 1/1/2013, mà còn phải duy trì liên lạc 24/24 giờ tại nước này. Đây sẽ là trở ngại lớn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, vì hiện tại, Mỹ và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường xuất khẩu quan trọng.
Năm 2012, giá trị xuất khẩu cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Đại diện một công ty chế biến cá tra tại Cần Thơ cho biết, năm 2012, doanh số của công ty tăng 3 triệu USD nhưng hiệu quả gần như bằng không. Khó khăn hiện nay là do thị trường xuất khẩu gần như không có, giá nguyên liệu giảm tới 30 – 40%, ngân hàng chưa có chính sách cho vay hợp lý…
Đại diện một công ty xuất khẩu thủy sản tại Cà Mau cũng ngậm ngùi: Mặt hàng tôm của công ty đang giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2011 do thiếu vốn để mua nguyên liệu. Cùng đó, những khó khăn về thị trường nhập khẩu, sự sụt giảm đơn đặt hàng của các thị trường truyền thống (như Nhật, EU) khiến công ty rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Phải tự thích nghi
Theo ông Trương Đình Hòe, dự báo trong xu hướng nhập khẩu của thế giới chững lại, các doanh nghiệp nên tìm cách củng cố thị trường cũ, giữ vững hoạt động mua bán lâu dài, đảm bảo tập trung tái cấu trúc, chú trọng vào các sản phẩm chủ lực. Trong áp dụng thuế suất, nên chăng áp dụng thuế xuất nhập khẩu nguyên liệu chế biến xuất khẩu về 0%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có những chiến lược của riêng mình. Đại diện một doanh nghiệp chế biến ở Cần Thơ cho biết, để gỡ khó, doanh nghiệp đang phải tìm cách sử dụng đồng vốn, chú trọng nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, công ty có chủ trương tập trung vào các sản phẩm dòng trung bình, tăng mạnh dòng cá tra cắt khúc… Cũng theo vị này, để chấm dứt sự lộn xộn trong ngành cá tra, cần loại bỏ một số doanh nghiệp không đủ cơ sở vật chất và vốn mà vẫn thu mua, chế biến cá tra, làm ra sản phẩm kém chất lượng.
Còn theo một đơn vị xuất khẩu tại Cà Mau, thì các doanh nghiệp cần tăng cường sự hợp tác, liên kết trong chế biến, xuất khẩu thủy sản trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài… Bản thân công ty cũng xác định tập trung vào dòng sản phẩm đang được thị trường hướng đến như tôm tươi nguyên con và tôm tẩm bột, dòng sản phẩm giá trị gia tăng, thay vì chạy đua số lượng như năm qua.
>>Theo VASEP, trong năm 2013, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ cho sản xuất nhiều hơn, tăng 30% so với năm 2012, với kim ngạch trung bình 65 – 70 triệu USD/tháng. Nếu chưa được áp dụng thuế suất nhập khẩu về 0% thì doanh nghiệp sẽ gánh thêm khoản thuế này. |