Xuất khẩu thủy sản đạt gần 800 triệu USD trong tháng 6

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế 6 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 4,2 tỷ USD.

Theo VASEP, trong tháng 6/2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21%. Xuất khẩu tôm ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay, giảm 18% so với cùng kỳ, đây cũng là mức giảm thấp nhất từ đầu năm. Xuất khẩu cá tra trong tháng 6 vẫn thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 156 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 6 giảm 29%, đạt 64 triệu USD, lũy kế nửa đầu năm giảm 31%, đạt trên 380 triệu USD. Xuất khẩu các loại cá biển khác giảm sâu hơn tháng trước với mức -17%, đạt 157 triệu USD, dù những tháng trước có tăng nhẹ so với cùng kỳ… Các mặt hàng khác như mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ trong tháng 6/2023 cũng giảm từ 17-30% so với cùng kỳ. Hiện, giá thành tôm nuôi của Việt Nam (4,8 – 5 USD/kg) cao gấp đôi Ecuador (2,3 – 2,4 USD/kg) và cao hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4 – 3,8 USD/kg).

Dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ dần hồi phục trong những tháng tới và có kết quả tốt hơn so với nửa đầu năm 2023. Ảnh: Phan Thanh Cường 

Bên cạnh những khó khăn do áp lực kiểm soát ngày càng chặt của thị trường, điển hình là thị trường EU, liên quan đến kiểm soát an toàn thực phẩm và quy định chống khai thác IUU, nhiều doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận từ sản xuất, xuất khẩu tôm và cá tra đang bị sụt giảm do tồn kho còn nhiều, giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào ngày càng tăng cao. Nhiều chuyên gia nhận định thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo sẽ khởi sắc vào những tháng cuối năm 2023 khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… bị chi phối bởi 2 yếu tố: lạm phát và hàng tồn kho. Khi lượng tồn kho đang dần được giải tỏa, nhu cầu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm 2023. 

Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… vẫn được coi là đích đến lạc quan cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Cụ thể là các ngành hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Tại các thị trường này chúng ta chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán như ở Mỹ, EU hay Trung Quốc. Một số thị trường Đông Nam Á cũng được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các chuyên gia kỳ vọng gói kích cầu cho các doanh nghiệp mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3 – 6 tháng nữa trong năm 2023 và quý I/2024 sẽ sớm được triển khai để người dân yên tâm thả nuôi thủy sản.

Anh Thư

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!