Xuất khẩu thủy sản năm 2013: Nhiều khó khăn

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, mặc dù còn nhiều khó khăn, song Ngành Thủy sản Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để thúc đẩy thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, kết thúc năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đã đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tuy không tăng mạnh nhưng đây là kết quả chứng tỏ sự nỗ lực của toàn Ngành. Bước sang năm 2013, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn đối với Ngành Thủy sản…

Nhìn lại bức tranh của toàn Ngành Thủy sản trong năm 2012 có thể thấy khó khăn chồng chất. Ngay từ đầu năm, dịch bệnh trên tôm đã có diễn biến hết sức phức tạp, các cơ quan chức năng đã quyết liệt tổ chức nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân của bệnh teo gan tụy trên tôm, đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất theo khung mùa vụ nuôi trồng, chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh và hướng dẫn bà con nông dân đổi mới phương thức nuôi, tập trung vào sản xuất các mặt hàng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao và áp dụng Vietgap trong nuôi trồng.

Nhờ sự nỗ lực vượt bậc, kết thúc năm 2012, sản lượng thủy sản đạt 5732,9 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm 2011, trong đó cá đạt 4343,7 nghìn tấn, tăng 5,3%; tôm đạt 632,7 nghìn tấn, tăng 0,3%. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2012 ước tính đạt 1059 nghìn ha, tăng 0,7% so với năm trước, trong đó diện tích nuôi cá tra là 11,5 nghìn ha, tăng 3,4%; diện tích nuôi tôm sú 599,2 nghìn ha, giảm 1,4%; diện tích tôm thẻ chân trắng 34,3 nghìn ha, tăng 17,2%.

Hoạt động khai thác nhờ thời tiết, ngư trường khá thuận lợi kết hợp với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển nên ngư dân tích cực bám biển, sản lượng đạt khá. Trong năm đã có trên 1.500 tổ, đội sản xuất được thành lập, nâng tổng số tổ đội, HTX của cả nước lên hơn 3.500 tổ với khoảng 21.000 tàu cá và 136.000 lao động tham gia. Đặc biệt, Ngành đã thí điểm thành lập 20 nghiệp đoàn đánh cá với quy mô lớn và tổ chức điều hành bài bản từ quy chế hoạt động, quy định góp vốn và quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các hội viên bước đầu đã được các địa phương ủng hộ và ngư dân đón nhận.

Về tình hình xuất khẩu, năm 2012, xuất khẩu thủy sản cán đích 6,134 tỷ USD, chỉ tăng 0,3% so với năm 2011. Tuy không đạt mục tiêu 6,5 tỷ USD mà Ngành đã đặt ra từ đầu năm, nhưng đây vẫn là kết quả khả quan nhờ sự nỗ lực của toàn Ngành. Trong đó, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực vẫn là cá ngừ, trị giá cá ngừ xuất khẩu tuy chỉ chiếm gần 9,4% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhưng đây là sản phẩm duy nhất có tăng trưởng cao trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Một số mặt hàng thủy sản khác như tôm, cá tra vẫn tiếp tục duy trì ổn định trong xuất khẩu…

Vượt qua những thách thức, sản xuất và xuất khẩu thủy sản năm 2012 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, những thách thức đối với Ngành Thủy sản trong năm 2013 sẽ còn tiếp diễn, đòi hỏi muốn vượt qua cần phải có sự nỗ lực vượt bậc của toàn Ngành.

Dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung sẽ giảm 1,5 – 2% so với năm 2012. Đặc biệt, năm 2013 sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ cho sản xuất nhiều hơn, tăng 30% so với năm 2012 với kim ngạch đạt trung bình 65 – 70 triệu USD/tháng.

Cũng theo Vasep, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU, một trong những thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản nước ta trong năm 2013 vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng âm về kim ngạch, giảm khoảng 12 – 15% so với năm 2012. Đáng chú ý, một số mặt hàng thủy sản chủ lực trong xuất khẩu sẽ tiếp tục phải đối diện với khó khăn như: mặt hàng tôm Việt Nam sẽ phải đối diện với những thách thức như dịch bệnh, con giống, môi trường và vốn vay cho sản xuất…

Ngoài ra, mặt hàng cá tra trong năm tới cũng sẽ gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt xuất khẩu tới thị trường truyền thống EU nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm. Do vậy, các cơ quan bộ, ngành cần phải có những biện pháp kịp thời nhằm ổn định nguồn hàng xuất khẩu, giữ vững thị trường. Trong đó, cần tăng cường các chế tài về việc hạn chế sử dụng các chất phụ gia tăng trọng sản phẩm cá tra xuất khẩu theo chuẩn mực quốc tế; xây dựng lộ trình hạn chế dần để tiến tới không sử dụng phụ gia tăng trọng đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu, trước hết đối với các thị trường EU, Mỹ và Nhật.

Đồng thời, tại thị trường Nhật Bản, vấn đề Ethoxyquin sẽ tiếp tục chi phối xuất khẩu tôm sang thị trường này, do vậy xuất khẩu tôm sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Ngoài ra, sự cạnh tranh về xuất khẩu thủy sản trên thế giới sẽ ngày càng gay gắt, trong đó Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ có xu hướng hạ giá bán sản phẩm tôm, Bangladesh bắt đầu thúc đẩy sản xuất tôm thẻ chân trắng… tạo áp lực lên mặt hàng tôm xuất khẩu của nước ta. Đối với cá tra, mặc dù hiện tại Việt Nam vẫn là nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, song Thái Lan, Phillipines và nhiều nước khác đang tích cực đầu tư vào việc nuôi, xuất khẩu cá tra để sẵn sàng cạnh tranh với Việt Nam trong thời gian tới.

Với những khó khăn đã và đang hiện hữu, đặc biệt là đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm và cá tra, hơn bao giờ hết các cơ quan chức năng cần tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ hơn nữa nhằm thúc đẩy Ngành Thủy sản tiếp tục phát triển, tạo tiền đề tốt cho những năm tiếp theo.

Được biết, trong năm 2013, Ngành Thủy sản đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt tổng sản lượng thủy sản khoảng 5,95 triệu tấn, xuất khẩu đạt 6,4- 6,5 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, hiện Ngành Thủy sản đã xác định sẽ tập trung thực hiện rà soát, quy hoạch lại diện tích nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh; tiếp tục đa dạng hóa đối tượng nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm thiểu rủi ro; đẩy mạnh triển khai áp dụng VietGAP trên quy mô toàn quốc, mở rộng cho các đối tượng nuôi mới và có sản lượng hàng hóa lớn; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống thủy sản đảm bảo cung cấp đủ giống tốt, sạch bệnh cho sản xuất.

Cùng với đó, Ngành cần khuyến khích hoạt động xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt; nghiên cứu và đầu tư ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại trong bảo quản, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thất thoát; cơ cấu lại sản phẩm chế biến đông lạnh theo hướng giảm tỷ lệ các sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng các sản phẩm ăn liền, đa dạng hoá mặt hàng chế biến.

Ngoài ra, Ngành cần xây dựng lực lượng kiểm ngư cùng với phát triển lực lượng thanh tra thủy sản để thực thi các hoạt động hướng dẫn và giám sát thực hiện pháp luật trên biển; khuyến khích sự tham gia của người dân vào quản lý, bảo vệ nguồn lợi biển kết hợp với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho Ngành Thủy sản, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi tập trung thâm canh, khép kín kết hợp với công nghiệp sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học và chế biến sản phẩm để nâng cao chất lượng thủy sản, góp phần thúc đẩy xuất khẩu…/.

Phạm Hằng

ĐCSVN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!