Dù xuất phát đầy khó khăn trong nửa đầu năm 2012 nhưng với dự đoán, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý 3 sẽ đạt khoảng 1,84 tỷ USD thì nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ có cú nước rút thần tốc để hoàn thành mục tiêu 6,5 tỷ USD năm 2012.
Chuyển biến tích cực
VASEP dự báo, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý 3 có thể đạt 1,84 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2012, đưa kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2012 lên khoảng 4,7 tỷ USD.
Trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu quý 3, nhóm sản phẩm từ hải sản dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 675 triệu USD, chiếm 36,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, cá ngừ đạt khoảng 175 triệu USD; mực và bạch tuộc 165 triệu USD; cua, ghẹ và giáp xác khác khoảng 35 triệu USD, cá biển các loại khoảng 275 triệu USD.
Đặc biệt, đối với hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra, cũng sẽ có những chuyển biến tích cực. Quý 3 là giai đoạn nhiều diện tích tôm đến kỳ thu hoạch, tạo nguồn cung dồi dào hơn, đồng thời, nhu cầu nhập khẩu cũng sẽ tăng cao tại nhiều nước. Dự báo, giá trị xuất khẩu các mặt hàng tôm của Việt Nam trong quý 3 sẽ đạt khoảng 690 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng 19% so với quý 2, đưa tổng giá trị xuất khẩu tôm 9 tháng năm 2012 lên 1,7 tỷ USD.
Dự kiến 9 tháng đầu năm 2012, tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD – Ảnh: An Đăng
Về mặt hàng cá tra, VASEP khẳng định, gói cứu trợ 9.000 tỷ đồng của Chính phủ sẽ phần nào vực dậy ngành cá tra. Bên cạnh đó, theo thông lệ, cứ vào tháng 9 hàng năm, nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ lại tăng do các nhà nhập khẩu tăng cường nhập khẩu, phục vụ cho dịp lễ, tết cuối năm. Với chất lượng và giá cả phù hợp, cùng với những tác động tích cực của thị trường nhập khẩu và trong nước, dự báo giá trị xuất khẩu cá tra trong quý 3 sẽ đạt cao nhất so với các quý trong năm.
Kỳ vọng bứt phá
Châu Âu hiện vẫn là thị trường lớn thứ hai của thủy sản Việt Nam. Nhưng thị trường này chưa có chuyển biến nhiều trong quý 3 này, sức mua vẫn chưa cao và sẽ vẫn mức tăng trưởng âm 2 con số 10 – 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, tại thị trường Nhật Bản, với rào cản Ethoxyquin chưa được giải quyết cộng với nguồn cung dồi dào từ các quốc gia sản xuất tôm như Thái Lan, Ecuador, Ấn Độ… khiến sức tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này cũng chững lại ở mức 22 – 25% so với cùng kỳ thay vì mức cao tới 35% của quý 2 vừa qua. Tuy nhiên, nhu cầu thủy sản của Nhật Bản duy trì ở mức cao, vẫn là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trên hai thị trường chính là châu Âu và Nhật Bản nhưng các thị trường lớn và tiềm năng khác như Mỹ, Australia, Canada, Mexico, ASEAN, Trung Quốc và Hồng Kông… vẫn đang tiếp tục có nhu cầu lớn và gia tăng nhập khẩu thủy sản từ nguồn cung Việt Nam. Tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2012, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường này đều tăng cao, cụ thể lần lượt tăng 12,3%, 4,3%, 33,4%, 46,2%, 1,1%, 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chuyên gia dự đoán, nhu cầu tiêu dùng thủy sản của các thị trường này tiếp tục còn tăng cao hơn trong tháng 9 này.
Nhưng trở ngại vẫn còn
Sản lượng tôm thu hoạch trong trong quý 3, đặc biệt là vào tháng cuối cùng của quý (tháng 9/2012) được dự báo sẽ tăng mạnh để bù đắp một phần cho giai đoạn dịch bệnh trong những tháng đầu năm nhưng đây cũng là thời điểm vào vụ thu hoạch tôm chính của một số nước sản xuất tôm lớn trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador… Vì thế chắc chắn tôm Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ khác tại nhiều thị trường lớn.
Bắt đầu từ quý 3, lãi suất vay ngân hàng đã điều chỉnh giảm xuống 10 – 12% nhưng tín dụng cho sản xuất vẫn thắt chặt ở đa số, kết hợp với các chi phí đầu vào tăng cao đã, đang và sẽ là bài toán lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Xu hướng đẩy mạnh sản xuất sẽ khó xảy ra trong những tháng cuối quý 3 mà thay vào đó, các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh quy mô, cắt giảm chi phí và tăng trưởng nhẹ sẽ rõ ràng hơn.
Mặc dù sẽ tiếp tục vấp phải nhiều khó khăn trong xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm, nhưng nhiều chuyên gia trong ngành vẫn lạc quan tin tưởng rằng, xuất khẩu tôm và cá tra trong quý 3 sẽ hồi phục, từ đó tạo đà phát triển để đạt mục tiêu doanh số 6,5 tỷ USD xuất khẩu thủy sản cho cả năm 2012.
>> VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản trong quý 3/2012 sẽ khả quan hơn quý 2 với mức tăng trưởng trung bình cả quý so với quý trước là 17%, đạt khoảng 1,84 tỷ USD (quý 2 đạt gần 1, 6 tỷ USD), tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. |