(TSVN) – Ngày 10/8, VASEP và Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”.
Báo cáo trên 60 trang bao gồm 5 phần gồm các nội dung: Đánh giá về thực trạng sản xuất, tiêu thụ thủy sản Việt Nam; đề cập các quy định về chống khai thác IUU của các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, các nước khác và Việt Nam; phân tích dòng chảy thương mại thủy sản trong giai đoạn 2007 – 2019 để đánh giá tác động kinh tế của thẻ vàng IUU đối với Việt Nam và trên cơ sở đó đánh giá định lượng về tổn thất kinh tế, tác động ngắn hạn và trung hạn trong trường hợp bị phạt “thẻ đỏ” IUU.
Phân tích trong nghiên cứu này cho thấy, thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các Quy định IUU và quy trình cảnh báo “thẻ vàng”, trong khi thủy sản nuôi trồng bị tác động gián tiếp. Sau 2 năm bị áp dụng “thẻ vàng” IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm rõ rệt 12%, tương đương giảm183,5 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm trên 10% sau 2 năm, tương đương giảm 43 triệu USD, trong đó, bạch tuộc giảm mạnh nhất 37%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 11%, cá ngừ giảm gần 2%, cua giảm 11%. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm 13% từ năm 2017 – 2019.
Trong trường hợp bị EU phạt “thẻ đỏ”, tác động trước mắt và ngắn hạn đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC đối với xuất khẩu hải sản khai thác của Việt Nam vì không đáp ứng được các quy định về chống khai thác IUU. Theo ước tính, ngành khai thác thủy sản của Việt Nam, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể và các loài khác, sẽ mất khoảng 387 triệu USD mỗi năm từ thị trường EU. Các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng bao gồm uy tín ngày càng sụt giảm, áp lực nhiều hơn từ kiểm tra hải quan và không tận dụng được thuế quan ưu đãi của EVFTA. NTTS sẽ mất khoảng 93 triệu USD do các tác động gián tiếp. Tổng cộng, ngành thủy sản Việt Nam sẽ mất ngay thị trường EU với trị giá xuất khẩu gần 480 triệu USD. Tác động trung hạn nếu lệnh cấm kéo dài trong 2 – 3 năm bao gồm sự gián đoạn của ngành thủy sản, trong đó khai thác thủy sản sẽ bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng.
Về tình hình sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản trong thời gian qua cho thấy, mặc dù đầu ra nguyên liệu thủy sản vẫn ổn định, nhưng dịch COVID-19 đang diễn ra nghiêm trọng trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại hàng hóa, trong đó có thủy sản. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể linh hoạt điều chỉnh sản phẩm xuất khẩu của mình để phù hợp với xu hướng thay đổi của thị trường. Theo đó, các sản phẩm như TTCT, cá hộp, cá khô, thủy sản chế biến sẽ được tập trung sản xuất và xuất khẩu. Có một số doanh nghiệp có cơ hội thị trường và có đà tăng trưởng xuất khẩu từ năm 2020, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn, sau một năm thất bại vì COVID-19 làm giảm đơn hàng, làm suy yếu nguồn vốn. Kể từ quý II/2021, nhu cầu phục hồi tại hai thị trường lớn là Mỹ và EU cùng với sự gia tăng mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng và tăng mạnh xuất khẩu sang các thị trường tham gia Hiệp định CPTPP đã đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước nửa đầu năm đạt trên 4,1 tỷ USD.
Từ tháng 5/2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản vì các yêu cầu cách ly, giãn cách xã hội. Do đó, dự báo xuất khẩu thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ chững lại. Trong trường hợp khả quan nhất, dịch lắng xuống và kiểm soát được sau 3 tháng thì mức tăng hàng tháng chỉ dao động trong khoảng 6 – 8%. Khi đó, xuất khẩu thủy sản đến cuối năm 2021 có thể đạt mục tiêu 9 tỷ USD. Trong tình hình xấu hơn, dịch bệnh kéo dài và Trung Quốc tiếp tục hoặc tăng cường kiểm soát thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam, khi đó xuất khẩu chỉ có thể đạt khoảng 8,8 tỷ USD.