(TSVN) – Cuối năm 2023, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ được cải thiện do triển vọng lạm phát tốt hơn, và doanh số bán thủy sản được dự báo tăng trưởng 1 – 2% vào năm 2024.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, thâm hụt thương mại thủy sản của Mỹ năm 2023 ở mức 20,3 tỷ USD. Theo thống kê của NOAA, nhập khẩu thủy sản của Mỹ giảm mạnh từ 30 tỷ USD năm 2022 xuống còn 25,3 tỷ USD vào năm 2023; trong khi xuất khẩu giảm từ 5,1 tỷ USD năm 2022 xuống khoảng 5 tỷ USD vào năm 2023. Theo NOAA, mức tiêu thụ hải sản bình quân của Mỹ đã tăng đều đặn – từ 16 pound/ người năm 1995 lên 20,5 pound/người vào năm 2021. Do đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu thủy sản của Mỹ ngày càng tăng. Khoảng 80% lượng thủy sản tiêu thụ tại Mỹ được nhập khẩu.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường Mỹ. Ảnh: Sputnik
Tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu 2024 do Viện Thủy sản Quốc gia tổ chức tại Orlando, Florida, Mỹ, doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh của Mỹ được các chuyên gia dự báo sẽ ổn định trong năm 2024, sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Năm 2023, tổng doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh giảm do lạm phát cao, tiền tiết kiệm cạn kiệt. Trong đó, lượng cá có vây ướp lạnh tiêu thụ trong năm 2023 giảm 3,8% so với năm 2022, giảm 1,8% về doanh thu; lượng cá có vây đông lạnh tiêu thụ giảm 4,2% và doanh thu giảm 3,1%. Trong khi đó, lượng tiêu thụ thủy sản đông lạnh có vỏ tăng 0,9%, chủ yếu do tiêu thụ cua tăng mạnh, trong khi doanh thu giảm 5,6%.
Riêng về nhập khẩu tôm, số liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Mỹ nhập khẩu 65.567 tấn tôm, trị giá 515,9 triệu USD trong tháng 12/2023, tăng 6% về khối lượng, giảm 5% về giá trị; đánh dấu 6 tháng nhập khẩu tôm vào Mỹ liên tiếp tăng. Cũng theo đó, nguồn cung “ồ ạt” trên thị trường đã khiến giá tiếp tục giảm. Tháng 12/2023, giá tôm nhập khẩu trung bình tại Mỹ chỉ đạt 3,67 USD/pound, thấp hơn 5% so với tháng 6/2023 (3,86 USD/lb) và thấp hơn 22% so với tháng 4/2022 (4,73 USD/lb) – thời điểm biểu đồ giá tôm bắt đầu đi xuống.
Tuy nhiên so với một số nguồn cung tôm chính tại Mỹ là Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc thì Việt Nam vẫn có triển vọng hơn cả. Đặc biệt, Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu tôm của Trung Quốc. Trong số những nguồn cung tôm chính của Mỹ, Trung Quốc chịu tổn thất nặng nề nhất do một lượng lớn thị phần bị “bốc hơi”. Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách – Tài chính – Tiền tệ quốc gia, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2023 giảm gần 15%. Nhưng bước sang năm 2024, đà tăng trưởng đã quay trở lại, cho thấy nhu cầu đã phục hồi. Trong quan hệ Việt Nam – Mỹ, nhiều chính sách của Mỹ đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa của Việt Nam. Nổi bật là chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc.
Thái Dương