(TSVN) – Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Với nhu cầu nhập khẩu lớn, thị trường tỷ dân này luôn là mảnh đất màu mỡ, song cũng chứa đựng không ít rủi ro, thách thức. Việc chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập quốc tế là giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp thủy sản Việt có thể thâm nhập và gia tăng giá trị tại thị trường Trung Quốc.
Tính trong 10 nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đối tác nhập khẩu lớn nhất và đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 chỉ sau Malaysia (theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Malaysia sang Trung Quốc đạt 109,9 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ). Nếu xét trên quy mô toàn thế giới trong tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam hiện đang giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 6 (sau Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông), đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5; thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Trung Quốc.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect đã chỉ ra 8 nhóm ngành được hưởng lợi khi Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12/2022 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023. Đứng đầu là các doanh nghiệp ngành hàng không, thủy sản, xi măng, cao su, thép, gạo. VNDirect cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này vào năm 2023.
805 doanh nghiệp của Việt Nam đã được phía Trung Quốc cấp phép cho xuất khẩu thủy sản. Ảnh: PTC
Trong giai đoạn 2018 – 2022, thương mại thủy sản Việt Nam – Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Năm 2022, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 2 (sau Mỹ) về nhập khẩu thủy sản Việt Nam với mức tăng trưởng 63% so với năm trước đó, đạt 1,61 tỷ USD, trong khi tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành là 23%. Thông tin từ VASEP, mỗi năm Trung Quốc chi đến 2 tỷ USD để nhập thủy sản tươi sống nhưng Việt Nam chỉ mới cung cấp khoảng 322 triệu USD nên cơ hội rất lớn.
Hiện Việt Nam có có 805 doanh nghiệp với 128 sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến và 40 cơ sở đóng gói thủy sản tươi sống với 48 loại sản phẩm tươi sống được Trung Quốc phê duyệt xuất khẩu sang thị trường này.
Có 7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc gồm: Tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với tỷ lệ 24% khối lượng, 41% giá trị; sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu. Nếu tính riêng về thương mại thủy sản Việt Nam – Quảng Tây thì đây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây)” do Bộ NN&PTNT tổ chức trực tiếp và trực tuyến ngày 8/3; bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, hoạt động thông quan hàng nông, thủy sản và các sản phẩm nông, thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn Móng Cái và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu. Thời gian qua, lượng hàng và các sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối thông quan này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm và trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng hàng đạt 116.275 tấn, tăng 22% so cùng kỳ 2022.
Đại diện VASEP cũng thông tin, Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Phát huy lợi thế này, đề nghị thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc, đặc biệt là cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu và quy định của thị trường các địa phương phía Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong những năm qua, thủy sản tươi sống xuất khẩu sang Trung Quốc đạt khoảng 2 tỷ USD. Đây là thị phần mà doanh nghiệp có thể thúc đẩy thời gian tới. Các mặt hàng thủy sản đối với Quảng Tây (Trung Quốc) đang được quan tâm nhiều nhất, tiếp đến là sản phẩm có giá trị gia tăng như: bóng cá, hàng cá tra và các mặt hàng tươi sống, vì vậy doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm nhiều hơn trong tìm kiếm các đối tác phía thị trường Quảng Tây.
Tuy có sự tăng trưởng và nhiều tín hiệu khả quan nhưng theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, nhóm hàng thủy sản cũng đang có những khó khăn nhất định để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH XNK Vĩ Tuyến (Quảng Ninh) cho hay, doanh nghiệp đang xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống, chủ yếu là qua cảng ICD Thành Đạt – Km3 + Km4, tại cặp chợ Biên Mậu Móng Cái – Đông Hưng, thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp bất lợi trong việc thanh toán của khách hàng vì đây không phải hoạt động xuất khẩu chính ngạch nên không thể thanh toán qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc gặp khó về báo tài chính với cơ quan thuế. Theo đó, đại diện doanh nghiệp đề xuất Bộ NN&PTNT có giải pháp và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới, tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập, doanh nghiệp không thể giải trình được.
Là một địa phương hướng đến nuôi tôm hùm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực và có tới khoảng 70% sản phẩm tôm hùm bán sang Trung Quốc, nhưng theo ông Nguyễn Trí Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khi xuất khẩu theo đường hàng không gây tốn nhiều chi phí, dẫn đến lãi suất thấp. Do đó, đề nghị tỉnh Quảng Ninh và phía Quảng Tây (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vận chuyển và thông quan nhanh chóng theo đường bộ. Cùng đó, đề xuất Bộ NN&PTNT sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi tôm hùm trong bể trên bờ và trên biển; xét cấp Code cho “HTX dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu”, hướng dẫn các điều kiện kỹ thuật từ đầu vào đến đầu ra, nhằm đảm bảo sản phẩm tôm hùm nuôi đáp ứng yêu cầu nhập khẩu phía Quảng Tây. Còn về phía doanh nghiệp Quảng Tây và chính quyền Trung Quốc, ông Phương đề nghị phía bạn thông tin minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng, cỡ loại, mùa vụ, giá cả tôm hùm để người nuôi chủ động nuôi và xuất bán đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng, giá cả, đảm bảo đôi bên cùng có lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chính ngạch tôm hùm qua đường bộ.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) việc đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản được thực hiện hoàn toàn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Tuy nhiên, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên CIFER và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của phía Việt Nam. Tháo gỡ vướng mắc này, Cục khuyến nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh việc phê duyệt các hồ sơ đăng ký trên CIFER; phê duyệt hồ sơ đăng ký cơ sở bao gói thủy sản sống và hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp, đề nghị ưu tiên nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn. Đối với cơ quan quản lý cần tích cực liên hệ với GACC để bố trí họp trực tuyến, nhằm trao đổi, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình đăng ký trên CIFER; tích cực liên hệ, đôn đốc phía Trung Quốc xử lý kiến nghị của phía Việt Nam.
>> Ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH XNK Vĩ Tuyến (Quảng Ninh) thông tin: Theo yêu cầu của phía Hải quan Trung Quốc thì cư dân biên giới phía Việt Nam khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc phải có chứng thư kiểm dịch do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cấp, nhưng giấy chứng thư thì phải là doanh nghiệp có cơ sở đủ điều kiện được Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cấp phép mới được sản xuất, sơ chế, chế biến hoặc bao gói. Tuy nhiên, đối với hầu hết thủy sản sống thì phía Trung Quốc chưa cho nhập khẩu chính ngạch tại Đông Hưng, mà chỉ cho nhập khẩu tại cặp chợ Móng Cái - Đông Hưng dưới hình thức xuất khẩu cư dân biên giới. Mà doanh nghiệp lại không được trực tiếp xuất khẩu theo quy định của phía Trung Quốc và cũng không được ủy thác xuất khẩu cho cá nhân là cư dân biên giới cũng như không thể xuất hóa đơn kinh doanh điện tử cho cá nhân theo quy định của cơ quan thuế. Như vậy thì doanh nghiệp không thể làm báo cáo tài chính đối với cơ quan thuế.
Hoài Phương