(TSVN) – Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng ấn tượng trong 8 tháng đầu năm 2024. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Mỹ và EU. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như thẻ vàng IUU và các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 8/2024, xuất khẩu thủy sản tiếp tục ghi nhận dấu hiệu tích cực với mức tăng trưởng ấn tượng 20%, đạt xấp xỉ 953 triệu USD. Lũy kế, 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã vươn lên gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số các mặt hàng thủy sản, chỉ có mực và bạch tuộc ghi nhận sự sụt giảm 15% về kim ngạch trong tháng 8, trong khi các sản phẩm chủ lực khác đều cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ từ 2 đến 3 con số. Đặc biệt, xuất khẩu tôm tăng 30%, cá tra tăng 18%, cá ngừ tăng 13%, và các loại cá biển khác tăng 12%.
Tính đến cuối tháng 8, xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 1,75 tỷ USD, tăng 8%, trong khi tôm sú vẫn giảm 7% với doanh số đạt gần 290 triệu USD. Tôm hùm tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong tháng 8, giúp kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng mạnh hơn 140% so với cùng kỳ năm 2023.
Dù đối mặt với những thách thức như thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá, xuất khẩu tôm vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng ổn định trong những tháng gần đây. Sau Triển lãm thủy sản VIETFISH vào tháng 8, dự báo xuất khẩu có thể sẽ có thêm tín hiệu tích cực.
Bên cạnh đó, dự đoán sản lượng tôm toàn cầu năm 2024 giảm cũng có thể thúc đẩy giá tôm tăng. Cụ thể, sản lượng tôm từ Trung Quốc, Ecuador, và Ấn Độ dự kiến sẽ giảm, kéo theo tổng sản lượng toàn cầu giảm khoảng 260.000 tấn (tương đương giảm 5%), xuống còn 4,89 triệu tấn. Nhu cầu tiêu thụ tôm bắt đầu khởi sắc tại châu Âu, và thị trường Mỹ cũng có dấu hiệu phục hồi nhẹ, trong khi giá nhập khẩu tôm vào Trung Quốc vẫn còn thấp – tất cả đều là tín hiệu lạc quan cho thị trường tôm.
Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù, thị trường Trung Quốc vẫn còn trì trệ, sự phục hồi từ thị trường Mỹ đã trở thành đòn bẩy quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu cá tra. Xuất khẩu sang Mỹ tăng 23% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 3%. Nhu cầu đối với các loài cá thịt trắng tại Mỹ vẫn ổn định nhờ các chương trình mua sắm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Ngày 29/8, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thông báo sẽ mua thêm các sản phẩm thủy sản, bao gồm cá tuyết Thái Bình Dương, cá tuyết, fillet cá mú, và các sản phẩm từ cá da trơn, với tổng trị giá 6,5 triệu USD cho 1,5 triệu pound cá da trơn. Việc mua hàng này được phân phối cho năm nhà chế biến tại khu vực Vịnh Mexico, Hoa Kỳ.
Đến cuối tháng 8, xuất khẩu cá ngừ đạt 652 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù nhu cầu thị trường đối với sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam vẫn duy trì, nhưng những tháng tới đây, xuất khẩu cá ngừ có thể gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu. Từ sau khi Nghị định 37/2024 có hiệu lực với quy định kích thước tối thiểu cho cá ngừ vằn là 0,5m, các doanh nghiệp gần như không thể thu mua được cá ngừ đáp ứng yêu cầu này, dẫn đến thiếu nguyên liệu trong nước để sản xuất cá ngừ hộp và các sản phẩm xuất khẩu khác.
Do chịu tác động mạnh nhất bởi thẻ vàng IUU, xuất khẩu mực và bạch tuộc khiến việc xác nhận và chứng nhận khai thác cho sản phẩm này gặp nhiều khó khăn. Kết quả là, đến cuối tháng 8, xuất khẩu mực và bạch tuộc giảm 2% so với cùng kỳ, đạt 402 triệu USD.
Như vậy, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường quốc tế đang cho thấy sự phục hồi tích cực cả về nhu cầu lẫn giá cả. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những thách thức lớn cản trở tăng trưởng trong những tháng tới như thẻ vàng IUU, thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá. Dự báo xuất khẩu thủy sản đến cuối năm 2024 có thể đạt mức 9,4 – 9,5 tỷ USD, tăng gần 6% so với năm 2023.
Tuệ Lâm