Xuất khẩu thủy sản: Tăng trưởng trong gian khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhưng 5 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu thủy sản vẫn thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào thành tích xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp. Trong diễn biến thời tiết thất thường, dự kiến thị trường thủy sản thế giới cuối năm 2017 vẫn thiếu hụt nguồn cung, tạo điều kiện cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng.

Cá ngừ là điểm sáng xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2017   Ảnh: CTV

Cá ngừ là điểm sáng xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2017 Ảnh: CTV

Cá ngừ “kéo” đà xuất khẩu

Sản lượng nguyên liệu tôm, cá tra giảm, giá nguyên liệu tăng cao khiến xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm đứng trước một viễn cảnh đáng lo âu; khi hai mặt hàng này gặp khó khăn cả về nguồn nguyên liệu lẫn giá cả. Do đó, việc xuất khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc và hải sản khác đều đạt tăng trưởng dương đã giúp xuất khẩu thủy sản của cả nước trong 5 tháng đầu năm 2017 duy trì mức tăng trưởng khá ngoạn mục.

Thống kê của VASEP cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm chậm hơn, kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 4% cùng kỳ năm ngoái. Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh, thuế chống bán phá giá khiến xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng yên tăng giá thu hút doanh nghiệp tôm chuyển sang thị trường này (với trị giá gần 468 triệu USD, tăng 29,3% so cùng kỳ năm 2016). Xuất khẩu sang một số thị trường khác như EU, Hàn Quốc phục hồi tích cực bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Mỹ (giảm 12,7%), Trung Quốc và Australia.

Với cá tra, không chỉ vướng tại Mỹ, xuất khẩu mặt hàng này còn gặp khó tại thị trường EU do nhu cầu tiêu thụ chưa hồi phục cộng với áp lực từ truyền thông bôi nhọ tại một số nước. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc, Brazil, Mexico tăng mạnh đã giúp cho giá trị xuất khẩu cá tra vẫn tăng nhẹ 2,4%, đạt 665 triệu USD.

Được coi là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm chính là mặt hàng cá ngừ. Với, giá trị xuất khẩu đạt 216 triệu USD, tăng 20% so cùng kỳ năm 2016; trong đó, xuất khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh 35%, cá ngừ đông lạnh tăng 11%; cá ngừ xuất khẩu tiếp tục phục hồi nhờ sự tăng trưởng sang các thị trường chính truyền thống như Mỹ và EU.

Chủ động và linh hoạt

Dự báo năm 2017, 3 trong số 5 thị trường truyền thống của Việt Nam chỉ tăng nhẹ so năm 2016. Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ đạt 1,48 tỷ USD, tăng 1%; xuất khẩu sang EU đạt 1,2 tỷ USD tăng 1%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 2%.

Để tiếp tục đà tăng trưởng, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần tập trung giảm giá thành sản xuất, tiếp tục xúc tiến quảng bá thương hiệu, bám sát thị trường, để hai mũi nhọn xuất khẩu đạt thành tích khả quan hơn trong những tháng cuối năm ở các thị trường truyền thống và thị trường mới. Bên cạnh đó, việc đầu tư mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đánh bắt sẽ khuyến khích cho người dân khai thác và phát triển đánh bắt cá ngừ và các sản phẩm khác. 

Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sẽ giảm và khó có thể hồi phục trong bối cảnh thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn sẽ áp dụng chính thức từ tháng 9/2017. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu không mấy ảm đạm và có nhiều hy vọng khi các thị trường Nhật Bản và Trung Quốc, Hàn Quốc hiện đang có nhu cầu nhập khẩu cao, sẽ phần nào bù đắp và thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng tới.

>> Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, để đạt mức tăng 5%, Tổng cục Thủy sản cần lưu ý kiểm soát kỹ giống và chủ động xử lý dịch bệnh; phối hợp cùng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tập trung giải quyết những vướng mắc thị trường cho thủy sản, đặc biệt là đối với cá da trơn.

Nguyễn Anh - Mộc Lan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!