Bốn tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,78 tỷ USD, giảm gần 5% so cùng kỳ năm 2012. Sự sụt giảm này đã được dự báo từ đầu năm. Các doanh nghiệp sẽ tìm lối thoát nào để không rơi vào tình thế khó cứu vãn trong tương lai?
Không “bỏ trứng vào một giỏ”
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lâu nay chủ yếu tập trung ở một số thị trường truyền thống: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là những thị trường tiêu thụ lớn nhưng cũng chứa đựng không ít rủi ro. Đặc biệt là các rào cản về thương mại cũng như những quy định ngày càng nghiêm ngặt về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) thủy sản khó đáp ứng.
Tổng cục Thủy sản cho biết, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 4/2013 ước đạt 520 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt trên 1,78 tỷ USD, giảm gần 5% so cùng kỳ năm ngoái… VASEP đánh giá, đây là lần đầu tiên sau 4 năm (kể từ 2009), xuất khẩu thủy sản Việt Nam quý I sụt giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm đồng thời ở tất cả các thị trường chính.
Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế khiến nhu cầu nhập khẩu tại 3 thị trường chính, đặc biệt là EU sụt giảm mạnh. Mặt khác, các rào cản kỹ thuật và thuế quan tại các thị trường nhập khẩu cũng gây khó khăn không ít cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Quy định của Nhật Bản và Hàn Quốc kiểm tra Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu của Việt Nam với mức giới hạn quá thấp 0,01ppm khiến cánh cửa vào những thị trường này bị thu hẹp. Bên cạnh đó, mặt hàng cá tra còn bị áp lực bởi kết quả xem xét hành chính POR8 thuế chống bán phá giá và mặt hàng tôm đứng trước nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp (VCD)…
Đối diện những nguy cơ đó, không ít DN đã thừa nhận việc theo đuổi các thị trường truyền thống là cần thiết nhưng không thể chỉ “chăm chăm” thị trường truyền thống, bởi khi có “vấn đề” xảy ra sẽ khó bề xoay trở.
Hiện, các thị trường mới mà ngành thủy sản Việt Nam đang nhắm đến là Trung Đông, Đông Âu (Nga, Ukraina), Bắc Phi, Nam Mỹ, Trung Quốc… Ngay trong thị trường truyền thống EU, DN cũng đang hướng tới các thị trường mới trong khối này, như Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Italia. Bỉ và Anh đang là hai thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam tại EU, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam nằm trong Top 10 nhà cung cấp tôm hàng đầu của Bỉ, với sản phẩm chính là tôm nước ấm đông lạnh.
Doanh nghiệp cá tra Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ – Ảnh: Huy Hùng
Riêng mặt hàng cá tra, năm nay xuất khẩu rất khó khăn do bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ mới đây. Tuy nhiên, nhiều DN xuất khẩu cá tra Việt Nam đã tìm được hướng và đẩy mạnh xuất sang Ấn Độ. Chỉ tính từ 1/1 đến 15/3/2013, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Ấn Độ đã đạt 2,7 triệu USD, tăng 45% so cùng kỳ năm 2012.
“Chìa khóa” trong tay DN
Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, việc cơ cấu lại sản phẩm xuất khẩu để phù hợp thị trường mới là điều mỗi DN cần phải tính đến ngay từ đầu. “Lâu nay, các mặt hàng cao cấp như tôm sú, cá ngừ, bạch tuộc vốn là mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào các thị trường truyền thống. Nhưng với thu nhập chưa cao, người dân các nước Nam Mỹ, Trung Đông sẽ không đủ tiền để ăn các loại thực phẩm cao cấp này. Bởi vậy, muốn chinh phục được thị trường mới, DN cần cơ cấu lại sản phẩm hợp lý” – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Đỗ Thắng Hải khuyến nghị.
Ngoài ra, theo ông Hải, để thủy sản Việt Nam xuất khẩu được vào được thị trường mới, các DN phải thật kiên trì, bởi thị trường mới không thể có được chỉ sau 1 – 2 tháng xâm nhập mà phải lâu dài.
Một điều đáng chú ý nữa: Việc xâm nhập các thị trường mới – có thể tạm coi là “dễ tính” hơn các thị trường truyền thống – có thể dẫn đến tâm lý “không coi trọng”, DN không đầu tư đúng mức để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Các chuyên gia cảnh báo “đây sẽ là một sai lầm khó cứu vãn”, ảnh hưởng lớn đến tương lai xuất khẩu của thủy sản Việt Nam.
Trong bất kỳ thời điểm nào thì việc chú trọng đầu tư vào chất lượng vẫn là tối quan trọng, liên quan sự sống còn của chính DN cũng như cả ngành thủy sản. Các DN hẳn cũng thấy rõ thực tế thời gian qua, trong khi một số DN không tìm được khách hàng và bế tắc trong việc thâm nhập các thị trường lớn, vẫn có một số DN khác không sản xuất kịp vì số lượng đơn đặt hàng đổ về quá nhiều. Điểm khác biệt lớn nhất giữa các nhóm DN này chính là việc chứng nhận của các tổ chức uy tín trên thế giới về tiêu chuẩn nuôi và chế biến các mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng này. Điều đó cho thấy, các DN thủy sản đạt các tiêu chí đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như ASC, GlobalGAP, GAP… thường nhận được các đơn hàng lớn hơn, giá bán cao hơn, thậm chí cao hơn 15 – 20% so với giá bán thông thường… Đây là điểu các DN cần đặc biệt chú ý, nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững cho DN cũng như chính ngành thủy sản.
>> “Không bỏ trứng vào một giỏ”, tìm cách phân tán rủi ro, việc này các DN đã tính đến. Khoảng 2 năm lại đây, nhiều DN đã bắt đầu tìm kiếm thêm thị trường mới để tăng xuất khẩu các mặt hàng phù hợp. |